Chế độ thực dân khi đến cai trị các nước thuộc địa đem vào tư duy “bảo vệ di sản” theo kiểu phương Tây thực dân. Thường những kẻ thực dân da trắng luôn nghĩ rằng người bản địa không có tư duy bảo tồn các kiến trúc hay vật phẩm có giá trị lịch sử và văn hóa. Đây cũng là cái cớ các đế quốc thực dân cướp bóc và vơ vét những tài sản của cộng đồng bản địa có giá trị văn hóa và lịch sử về Mẫu quốc. Không thể phủ nhận tư duy bảo vệ di sản của quá trình thực dân đã đem lại một hệ thống tri thức mới đi kèm như là khảo cổ, bảo tàng, các tổ chức dành cho việc nghiên cứu văn hóa và di sản.
Không giống như các hệ thống truyền thống trước đó, các hệ thống phương Tây được điều hành bởi và nhằm mục đích chỉ phục vụ một số giới tinh hoa thực dân, không có vai trò gì đối với các cộng đồng thuộc địa. Giới tinh hoa thực dân chỉ nhấn mạnh là tính hoành tráng và cổ vật. Lịch sử khai quật kéo dài của thực dân tại những nơi như Great Zimbabwe, Kilwa, các địa điểm Thung lũng tách giãn ở phía đông Châu Phi, Jenne–Jenno, Meroe và Mapungubwe đã để lại những vết sẹo lớn trên kết cấu vật liệu và cảnh quan của những địa điểm di sản khảo cổ này. Người dân địa phương chỉ được thuê vì sức lao động và kiến thức về lịch sử địa phương. Mặc dù kiến thức của họ rất hữu ích trong việc xây dựng các diễn giải, nhưng những người cung cấp thông tin địa phương hiếm khi được thừa nhận.Nhưng cách tiếp cận di sản của chế độ thực dân hường không xem xét hoặc coi trọng các tập quán và tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng bản địa. Kết quả là những người từng là một phần không thể thiếu trong việc bảo tồn và quản lý các di sản giờ đây bị gạt ra bên lề và bị tước quyền sở hữu, dẫn đến mất quyền sở hữu, sự kết nối và hiểu biết về di sản văn hóa. Định nghĩa về di sản là gì và nó được bảo vệ như thế nào, khác nhau giữa các cường quốc thực dân. Ví dụ, ở các thuộc địa của Anh, trọng tâm chủ yếu là các địa điểm khảo cổ, trong khi ở các khu vực của Pháp, trọng tâm là di sản kiến trúc. Những thành kiến thực dân này được phản ánh rất nhiều trong các loại hình di sản hiện đang được đề cử vào Danh sách Di sản Thế giới.
Hơn nữa, cách tiếp cận của thực dân đối với việc quản lý di sản đôi khi dẫn đến việc phá hủy hoặc bỏ bê các địa điểm không phù hợp với hiểu biết của chính những người thực dân về ý nghĩa lịch sử hoặc văn hóa. Trong một số trường hợp, các địa điểm di sản được cộng đồng địa phương coi là linh thiêng đã bị xúc phạm hoặc thay đổi để phù hợp với chương trình nghị sự thực dân như là hàng rào cản khiến người dân địa phương không thể tiếp cận di sản của chính họ và càng xa lánh di sản văn hóa của họ.
Tại Châu Phi, bảo tồn di sản truyền thống đã được nắm giữ bởi các tù trường (được gọi là indunas) người Barotse của vùng Barotseland ở phía tây Zambia. Các di sản thuộc về quyền bảo tồn của cộng đồng và cộng đồng cùng tham gia để bảo vệ nó.
Tại Châu Á, việc bảo tồn di sản đã có từ thời cổ đại được ghi chép lại trên bia ký, văn bản và biên niên sử. Theo Đại Biên niên sử Mahavamsa của Sri Lanka một nhà cai trị của thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, đã nhận được từ Hoàng đế Asoka của Ấn Độ món quà là một cây non mà Đức Phật đã giác ngộ. Cây vẫn tồn tại và đã trở thành một trong những nơi linh thiêng nhất của Phật giáo. Người cai trị thậm chí còn ra lệnh mang một phần gỗ của con tàu chuyển đến thành phố và trưng bày trong một tòa nhà đặc biệt để mọi người xem, đây cũng chính là nền tảng cho khái niệm bảo tàng. Việc bảo tồn các vật linh thiêng cũng được ra đời từ Thế kỷ thứ Tư sau Công nguyên thông qua việc bảo quản xá lợi Phật trong không gian riêng.
Trong kinh như Mayamatha từ Thế kỷ thứ Sáu sau Công nguyên đã ghi chép lại cách bảo tồn đồ vật, di tích và địa điểm tại Sri Lanka. Một vài đoạn được ghi chép sau đây:
“_ Những (ngôi đền) mà đặc điểm vẫn còn có thể cảm nhận được trong các yếu tố chính và phụ của chúng (sẽ được cải tạo) bằng vật liệu của chính chúng.
_ Nếu chúng thiếu bất cứ thứ gì hoặc có một số sai sót tương tự, thì nhà hiền triết muốn khôi phục chúng, (phải tiến hành theo cách sao cho) chúng lấy lại được sự nguyên vẹn và chúng được sắp xếp đẹp mắt (một lần nữa);
_ điều này (phải được thực hiện) với các kích thước – chiều cao và chiều rộng – vốn là của chúng, với các đồ trang trí bao gồm góc, hình thon dài và các ô nhỏ khác, mà không cần thêm bất kỳ thứ gì (vào những gì ban đầu đã tồn tại) và luôn tuân theo lời khuyên của người hiểu biết để thực hiện.”
Ngoài ra những quan chức phụ trách có chuyên môn về việc khôi phục và bảo tồn đều rất được tôn trọng và đề cao như các kiến trúc sư, thợ xây, thợ thủ công là bậc thầy trong lĩnh vực của họ khi rất chú trọng trong làm việc nhóm và khả năng tay nghề của họ trong nhiệm vụ được giao phó. Các đoạn trích ở đây từ Thế kỷ thứ Chín Sau Công nguyên nhấn mạnh tầm quan trọng của thợ thủ công và tay nghề của họ trong việc bảo tồn và giữ gìn:
“[Sẽ có] những người thợ đẽo đá khéo léo và những người thợ mộc khéo léo trong làng cống hiến cho công việc đổi mới [ngôi đền].
Tất cả họ … sẽ là chuyên gia trong công việc [tương ứng] của họ.
. nhiệm vụ tương ứng của mình, sẽ được ghi lại trong sổ đăng ký.
. một mình họ sẽ chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của nó.
Thời hạn [thời gian] hoàn thành công việc là hai tháng năm ngày.
Trách phạt những ai không thực hiện theo sự sắp đặt”
Việc xây dựng các bảo tháp, đặc điểm kiến trúc nổi bật nhất của các tu viện Phật giáo, bắt đầu vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên và đạt đến quy mô chưa từng có ở Sri Lanka từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, trong thời gian đó chúng đã tăng chiều cao lên tới 120 mét. Được xây dựng bằng gạch nung và thể hiện ý nghĩa biểu tượng to lớn, các bảo tháp đã bị hư hại vì nhiều lý do. Do đó, việc đổi mới liên tục chúng trong suốt nhiều thế kỷ bằng cách sử dụng các nguyên tắc được ghi lại ở trên, và với việc sử dụng bí quyết truyền thống, đã được thực hiện trong suốt lịch sử của Sri Lanka.

Như ở nhiều nơi ở Châu Á, ở Myanmar, chùa Shwedagon (địa điểm Phật giáo được tôn kính nhất trong nước) đã được trùng tu và cải tạo từ năm 1372 trong các ghi chép còn được lưu lại. Cho đến khi khu vực này bị người Anh đô hộ vào năm 1886. Nếu trước đây việc các vị vua lãnh đạo các dự án trùng tu này, các cộng đồng địa phương đã tham gia và được phép bày tỏ đức tin của họ tại chùa. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của người Anh, tất cả các hoạt động tôn giáo đã bị tạm dừng và địa điểm này trở thành một mẫu vật khoa học để nghiên cứu và ghi chép tài liệu.
Lịch sử của cả nhiều nơi chỉ ra rõ ràng rằng các cộng đồng đã quan tâm đến di sản của họ trước thời kỳ thuộc địa hóa. Họ đánh giá cao các địa điểm và đồ vật và chăm sóc chúng thông qua các hệ thống chăm sóc truyền thống cũng đã phát triển theo thời gian và cho đến ngày nay vẫn có các phương pháp tiếp cận được thiết lập. Trong một số trường hợp, quyền giám sát và quản lý văn hóa và tự nhiên đã có từ trước hoặc song song với các phương pháp của phương Tây.
Một vấn đề được đặt ra là phải hiểu cách bảo vệ di sản và quan niệm những thứ gì là di sản ngay trong chính cộng đồng bản địa. Không thể đưa di sản của chính cộng đồng bản địa cho người bên ngoài quản lý, trùng tu và tu sửa được. Chính điều này đang là mảnh đất ngầm của xung đột của quá trình hậu thuộc địa trong việc quản lý di sản ở nhiều quốc gia hiện nay như ở Châu Á và Châu Phi.
Tài liệu tham khảo:
Ndoro, W. (2005) The Preservation of Great Zimbabwe: Your Monument, Our Shrine. Rome:
ICCROM.
Ndoro, Webber, and Gamini Wijesuriya. “and Conservation: From Colonization to Globalization.” Global heritage: A reader (2015): 131
Tunprawat, P. (2009) Managing Living Heritage Sites in Mainland Southeast Asia. Ph.D dissertation,
University of Silpakorn, Thailand.
Shepherd, N. (2007) What Does It Mean “To Give the Past back to the People”? Archaeology
and Ethics in the Postcolony, in Y. Hamilakis and P. Duke (eds), Archaeology and
Capitalism: From Ethics to Politics. Walnut Creek: Left Coast Press, pp. 99–114.
Waterton, E. (2010) Politics, Policy and the Discourses of Heritage in Britain. London:
Palgrave Macmillan.
Wijesuriya, G. (1993) Restoration of Buddhist Monuments in Sri Lanka: The Case for an
Archaeological Management Strategy. Colombo: ICOMOS.
Wijesuriya, G. (2000) Conserving the Temple of the Tooth Relic, Sri Lanka. Public Archaeology
1(2): 99–109.
Wijesuriya, G. (2003) Are We Reinventing the Wheel? Archaeological Heritage Management
under the British Colonial Rule in Sri Lanka, in S. Lawrence (ed.), Archaeologies of the
British: Explorations of Identity in the United Kingdom and Its Colonies 1600–1945.
One World Archaeology Series. London: Routledge, pp. 274–290