“Stress” là một thuật ngữ để diễn tả cảm xúc căng thẳng, một dạng phản ứng của cơ thể đối với một tác nhân,…
Tuy nhiên nó cũng là một ý niệm tâm lý được kiến tạo bởi xã hội. Vì thế, ở các nền văn hóa, xã hội khác, cũng sẽ có cách diễn tả khác nhau để nói lên cảm xúc, phản ứng này. Chúng tôi sẽ trình bày cho các bạn những quan điểm khác nhau, dưới góc nhìn của nhân loại học y tế và y khoa,
tâm lý học lâm sàng.
A. QUAN ĐIỂM VỀ STRESS DƯỚI GÓC NHÌN Y HỌC, TÂM LÝ HỌC LÂM SÀNG VÀ TÂM THẦN:
Từ “Stress” bắt nguồn từ chữ La-Tinh “Stringere” có nghĩa là nghịch cảnh, bất hạnh.
Stress thường dùng để chỉ những phản ứng sinh học của cơ thể (Xuất mồ hôi, run, khô miệng,…) khi đối mặt với các cuộc tấn công tâm lý và thể chất của môi trường (đau đớn, đối mặt với áp lực, cái chết,..) Và mỗi sự kích động cũng tạo nên phản ứng đặc trưng riêng tùy vào loại kích động ấy (vật lý, hóa chất, vi khuẩn, tâm lý xã hội..)
1. ĐỊNH NGHĨA VỀ STRESS:
Có rất nhiều định nghĩa về stress. Stress là phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng. Đây là phản ứng nhằm khôi phục lại trạng thái cân bằng nội môi, khắc phục được các tình huống để đảm bảo duy trì và thích nghi thỏa đáng của cơ thể trước điều kiện sống luôn biến đổi (Hans Selye -1976). Chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, stress là cách để cơ thể thích nghi với các tình huống mới của môi trường. Đây là một phản ứng rất bình thường của cơ thể, là “một phần tự nhiên của hoạt động con người” (Albretch, 1979)
Ngoài ra, Hans Seyle cũng phân định phản ứng chung của cơ thể khi gặp stress là Hội chứng kích thích chung – General Adaption Syndrome, hay còn gọi là G.A.S.

Hội chứng chung này có thể tóm tắt nhanh qua 3 giai đoạn: Từ giai đoạn đầu – Giai đoạn báo động hay sốc, cơ thể sẽ có những phản ứng sinh học, tạo những chất trung gian hóa sinh như Adrenalin làm tăng nhịp tim, nhịp thở, huyết áp,.. để phản ứng với yếu tố gây stress. Cho tới giai đoạn thứ hai – có phản ứng thích nghi, chạy trốn hoặc phản kháng (fight or flight). Và đến giai đoạn cuối cùng – giai đoạn kiệt sức, khi cơ thể không còn giữ được khả năng thích nghi, dẫn tới rối loạn tâm lý (lo âu, trầm cảm, suy nhược cơ thể,..)
Ngay cả DSM–5, cũng định nghĩa phân loại Stress gồm có hội chứng rối loạn Stress cấp (ASD), hay Rối loạn Stress sau sang chấn (PTSD). Và để có những chẩn đoán này thì bắt buộc các triệu chứng tiến triển đều phải thỏa đủ các tiêu chuẩn chẩn đoán thì mới được chẩn đoán xác định cho bệnh nhân đó.
Như để Chẩn đoán RL Stress cấp ASD – thì phải tuân theo tiêu chuẩn chẩn đoán 308,3 (F43.0) của DSM–5.
2. CÁC YẾU TỐ, NGUYÊN NHÂN GÂY STRESS:
Dưới góc nhìn của tâm lý, y khoa, những yếu tố, nguyên nhân gây stress không chỉ đến từ mặt xã hội. Mà giờ đây, còn có từ phía cá nhân nữa. Đó có thể là những yếu tố đến từ chính sức khỏe của các bạn, do bạn bị nhiễm trùng ,nhiễm độc, nhân cách yếu, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, hay bạn đang mắc phải những rối loạn bệnh lý mới, những bệnh lý mãn tính…
3. PHƯƠNG PHÁP ĐỐI ĐẦU VỚI STRESS:
Theo nhà tâm lý học người Mỹ Donald Meichenbaum (1977), ông đã đề ra phương pháp tiếp cận trị liệu dựa theo việc sửa đổi hành vi – Liệu pháp Nhận thức hành vi (Cognitive Behavioral Therapy) mang tính cá nhân hơn, tập trung vào việc chúng ta nhìn nhận lại những hành vi của bản thân, và sửa đổi hành vi đó dẫn tới đạt được những kết quả như mong muốn, như phương pháp phòng ngừa stress thông qua việc quản lý thời gian, ngủ đủ giấc, suy nghĩ tích cực, viêt nhật ký hằng ngày, hoặc có những chiến lược đối phó (coping),** các bài tập thư giãn sâu, buông lỏng cơ thể để giảm căng thẳng,…
Điều thú vị, nếu các bạn để ý, cách tiếp cận của Y khoa, và cả tâm lý học lâm sàng chúng tôi nêu trên, có góc nhìn tiếp cận rất cụ thể, đó là hướng tiếp cận theo hướng cá nhân, từ góc độ cá nhân xuống dưới góc độ của cơ thể, sinh lý, sinh lý bệnh học.
Và đó là một trong những tính đặc thù của ngành tâm lý học Lâm sàng, Daniel Lagache (1903-1972), một nhà triết gia, bác sĩ tâm thần và nhà phân tâm người Pháp, là người đã đề nghị một định nghĩa riêng cho Tâm Lý học Lâm sàng, thoát ra khỏi cả Tâm thần học để có cho mình một chuyên ngành riêng đặc biệt hoàn toàn. Ông đã đưa ra một định nghĩa rất có giá trị cho đến nay, đó là nhiệm vụ của Tâm lý học Lâm sàng là “nghiên cứu sâu các trường hợp cá thể”. Nói rõ hơn, tức là nghiên cứu hành vi cá nhân và vấn đề tâm lý con người, các điều kiện tâm lý và bệnh lý, tiểu sử con người. Một cách toàn diện được đặt trong một tình huống cụ thể.
Một trong những thứ mà làm nên sự khác biệt giữa ngành Tâm thần so với với ngành Tâm lý đó chính là cơ chế điều trị ở cả hai ngành. Trong khi ở phía tâm lý học, các chuyên viên tâm lý thường sử dụng phương pháp trị liệu như đối thoại, trò chuyện để đưa ra tư vấn, thì ở ngành Tâm thần, đó là có cả việc sử dụng thuốc là một phương án điều trị, vì ngành Tâm thần tiếp cận rất sâu, trực tiếp trong mảng sinh hóa, sinh lý, sử dụng các chất dẫn truyền thần kinh để tác động đến cảm xúc. Nhưng cũng vì thế, nó cũng gây ra nhiều thách thức, các vấn đề đang tranh cãi, đặc biệt về việc có thể lợi dụng trong việc sản xuất thuốc để thu về lợi nhuận cho các tập đoàn dược, y tế.
B. QUAN ĐIỂM DƯỚI GÓC NHÌN NHÂN LOẠI HỌC Y TẾ:
1. “THÀNH NGỮ” CỦA SỰ CĂNG THẲNG:
Liệu ta có thắc mắc rằng ở mỗi nền văn hoá khác nhau, mọi người có những cách nào để nói đến, miêu tả các cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng của bản thân? Hay cách mà mọi người thường phản ứng, xử lý những căng thẳng đó như thế nào? Những câu hỏi ấy, đã dẫn các nhà nhân loại học y học suy ngẫm và bắt đầu tìm hiểu những “thành ngữ” tượng trưng cho sự căng thẳng ấy ở trong từng xã hội, mà nó liên quan đến cách mọi người hiểu và thể hiện những cảm xúc ấy ra sao.
Thí dụ:
Mặc dù có thuật ngữ Stress trong tiếng Bahasa, ngôn ngữ chính thức của Indonesia. Nhưng khi nghiên cứu thực địa ở Makassar, Anita Hardon đã quan sát thấy rằng các bạn của cô thường sử dụng thuật ngữ “pusing” (Dịch theo nghĩa đen là “chóng mặt”) để diễn tả cảm giác chung về sự căng thẳng, khó chịu trong hoạt động sống hằng ngày. Và mỗi khi ai đó nói bản thân đang “pusing”, mọi người xung quanh sẽ hiểu rằng người đó nên được nghỉ ngơi, bạn bè và đồng nghiệp cũng sẽ khuyên người đó rằng họ nên thư giãn, massage truyền thống ở nơi họ sống.
Hơn 30 năm trước, Mark Nichter đã kêu gọi các nhà nhân loại học hãy xem xét các “thành ngữ” biểu trưng sự căng thẳng đó như là một hiện tượng tâm bệnh học dân tộc (ethnopsychiatry phenomena) và **lí luận rằng những “thành ngữ” ấy:
“Được nhấn mạnh thông qua những biểu tượng (symbolic) và sự liên kết cảm xúc (affective associations) tuỳ theo ngữ cảnh có liên quan đến các yếu tố gây căng thẳng cụ thể (particular stressors); ngoài ra, còn tính khả dụng (the availability) và sự phân chia xã hội (social ramifications) trong các phương thức diễn đạt thay thế khác nữa, và khả năng truyền tải thông điệp của các phương thức đó”.
Ông đã minh họa điều này bằng cách đưa ra trường hợp có những nơi có các “thành ngữ” diễn tả thay thế về sự căng thẳng khác, cụ thể như: Ở miền Nam Ấn Độ, những người phụ nữ Havik Brahmin phải đối mặt với những căng thẳng khi họ kết hôn và sống chung với chồng và mẹ chồng. Và sự căng thằng ấy dần được dồn nén bởi những diễn ngôn (discourse) về sự thuần khiết, sạch sẽ, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ theo học đại học. Và đó cũng khiến Nitcher để ý, quan sát tới những người vợ trẻ có học thức, thường phản kháng những diễn ngôn ấy bằng cách phớt lờ các quy tắc “sạch sẽ” đó, lúc họ chuẩn bị và phục vụ bữa ăn khi không hài lòng với người chồng.
Và những “thành ngữ” ấy có các cách thể hiện rất khác nhau tùy từng nơi, chúng có thể được gói gọn trong một từ hoặc một cụm từ đơn giản liên quan trực tiếp đến cảm giác thể chất, giống như thí dụ “pusing” – “chóng mặt” như chúng tôi đã nói ở trên, hoặc đôi khi, là những cách phản ứng với các mối quan hệ, những khuôn khổ, hệ thống niềm tin hay các sự kiện xã hội như những diễn ngôn trong xã hội đó.
Kaiser và những cộng sự của ông (2014) cũng đã thảo luận việc mà thiếu kiểm soát cảm xúc có liên hệ mật thiết với cảm giác căng thẳng trong công việc như nào, vào lúc mà họ đang tìm hiểu về một “thành ngữ” của người Haiti, cụ thể “reflechi twop”, mà có nghĩa gốc là “suy nghĩ quá nhiều”. Cảm giác này lại liên quan đến những nỗi buồn, ý nghĩ về tự tử và những khó khăn về mặt xã hội, như: thất nghiệp, nghèo đói,.. Và một trong những nhà lãnh đạo xã hội Haiti đã thốt lên rằng:
“Không hề có công việc hay nghề nghiệp gì ở đây cả! Sự bất lực và nghèo đói đã khiến người dân rơi vào những điều này, bởi họ chỉ có biết ngồi xuống, ngồi xuống và ăn mà thôi! Và đồ ăn ư? họ thậm chí còn không biết nó sẽ đến từ đâu, họ chỉ nghĩ được làm thế nào để kiếm được nó… trong đầu làm sao có thể nghĩ cái gì khác hơn được nữa” (2014: 458)
(Nếu các bạn đã xem buổi phim “Những người phụ nữ của Haiti” mà chúng tôi đã dịch và công chiếu, thảo luận trước kia, các bạn có thể hiểu rõ về cảm giác của những người dân Haiti hơn. Cuộc sống người dân Haiti quá nghèo đói, họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để có thể tồn tại, không còn có sự lựa chọn nào khác. Sự bất lực, khiến con người Haiti mất khả năng kiểm soát cảm xúc và dẫn đến căng thẳng.)
Kirmayer và Young (1988) đã lập luận rằng các nền văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đã cung cấp cho con người những “từ vựng” để mô tả những triệu chứng họ cảm thấy, và đưa ra lời giải thích những triệu chứng đó có liên quan tới những cảm xúc căng thẳng, chịu đựng.
Có một điều rằng, tuy các bác sĩ tâm thần đã tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học, đa văn hóa nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các biểu hiện sự căng thẳng trong từng văn hóa với tình trạng tâm thần, nhưng Kirmayer và Young đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất ở đây, là phải lắng nghe được bệnh nhân mô tả những triệu chứng của họ, theo thuật ngữ của riêng họ! Để hiểu được cách mà những “thành ngữ” căng thẳng đó liên kết với “tình trạng khó khăn về mặt xã hội, tình cảm, đạo đức và những cảm xúc khác mà chưa thể diễn tả được” ra sao (1988:424). Và việc lắng nghe những câu chuyện như thế có thể cung cấp thêm các giải pháp phi y tế mà có thể ngăn ngừa – hoặc chí ít là thừa nhận các nguyên nhân cơ bản của sự căng thẳng về mặt thể chất, mà cá nhân đó đang gặp phải.
2. QUẢN LÝ SỰ CĂNG THẲNG:
Từ lâu, các nhà nhân loại học đã quan sát thấy rằng những người chữa bệnh tâm linh, thầy bói,… đã phần nào giải tỏa những cơn căng thẳng, chịu đựng đó thông qua các nghi lễ, hay những buổi chữa lành, chia sẻ tập thể. Một đặc điểm quan trọng thú vị của các buổi chữa lành như vậy là chúng đều là các hoạt động, sự kiện mang tính xã hội, mà tất thảy luôn có sự tham gia không chỉ ở bệnh nhân, bạn bè mà cả người thân trong gia đình. Thông qua những buổi như thế, những người được chữa lành có thể làm các hoạt động thích hợp để giải tỏa, như họ có thể dâng cúng lễ vật cho tổ tiên, chi trả chi phí bồi thường, nợ nần nào đó hay là tổ chức một bữa tiệc thật đặc biệt.
Tuy nhiên, có một điều khiến cho các nhà Nhân loại học y tế lo ngại rằng, các phương pháp chữa bệnh mang tính xã hội như vậy có thể bị thay thế bởi các mô hình chữa bệnh thay thế theo hướng tiếp cập sinh học tâm thần (biopsychiatry), đang ngày càng chiếm ưu thế trên toàn thế giới hơn! Và các nhà Nhân loại học y tế đã và đang chỉ trích về việc ứng dụng toàn cầu hóa của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống Kê Rối loạn Tâm Thần (DSM-5) của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – (American Psychological Association – APA).
Tuy rằng việc này giúp cho các bác sĩ tâm thần trên thế giới có thể có một quy ước chung thống nhất về cả định nghĩa, khái niệm hay các công cụ để chẩn đoán, mà được cho là có thể áp dụng và có giá trị trong bất kỳ nền văn hóa nào. Thì Watters lại cho thấy rằng việc áp các định nghĩa về trầm cảm, chán ăn, rối loạn căng thẳng của người Mỹ lên khắp thế giới lại vô hình chung khiến cho những cách thể hiện, biểu hiện sự căng thẳng, chịu đựng, trầm cảm, đau khổ của những nền văn hóa bản địa bị coi nhẹ, xem thường hơn; và dẫn tới kết quả là “Khiến cho các dạng bệnh tâm thần và các cách chữa bệnh bản địa dần bị lãng quên, bị san phẳng!”
Đây là một trong những bất cập về DSM–5, việc mà APA đã định nghĩa, tiêu chuẩn hóa cho các loại Rối loạn nhân cách, các biểu hiện tâm thần và áp lên những bệnh nhân có đủ những tiêu chuẩn ấy, nếu không được suy xét kỹ, có thể khiến các bác sĩ tâm thần bỏ qua, xem nhẹ những quá khứ, những trải nghiệm của họ từ trước, như là cách mà các mối quan hệ xã hội có thể đã tác động lên họ như thế nào. Chưa kể rằng, việc áp các định nghĩa về rối loạn nhân cách cũng có thể tạo điều kiện cho việc tạo sự quyền lực để có thể tác động, xâm lấn, ép buộc bệnh nhân phải “chữa” theo những hình thức khác nhau.
Vậy nên chúng ta nên nhìn và đặt lại câu hỏi, vấn đề không phải nằm ở việc chúng ta định nghĩa, phân loại ra sao. Mà chúng ta phải làm gì sau khi chúng ta phân loại những thứ ấy?
KẾT LUẬN:
Như các bạn thấy, việc chúng tôi viết bài này, cũng như đưa ra những góc nhìn khác nhau, mục đích cuối cùng là để cho các bạn hiểu hơn, thêm cho mình những quan điểm về Stress mà có thể các bạn chưa từng nghĩ tới trước đây. Chúng ta liệu có hay nhìn nhận Stress, hay căng thẳng dưới góc độ đó là bệnh tật, hơn là một trạng thái phản ứng bình thường của cơ thể trong trong cuộc sống không?
Ngay cả việc qua các nền văn hóa khác nhau cũng có những từ ngữ, thành ngữ thể hiện cho sự căng thẳng mà không cần thông qua duy nhất từ “stress“, chẳng hạn như “pusing” chúng tôi đã nêu trên, còn có rất cách thể hiện rất phong phú, bạn hãy để ý xung quanh, có thể giúp cho bạn nhận diện tốt hơn những vấn đề cảm xúc mà bạn bè bạn đang gặp phải.
Trong góc nhìn về nhân loại học, đó là cách tiếp cận về hướng xã hội, về cộng đồng, và các yếu tố gây căng thẳng cũng tập trung về những khó khăn về mặt xã hội, như những diễn ngôn, định kiến. Trong khi góc nhìn về tâm lý học lâm sàng, y khoa thường tiếp cận theo những vấn đề của cá nhân nhiều hơn, hay góc độ từ bệnh tật.
Tuy rằng có nhiều cách tiếp cận, cũng như những góc nhìn khác nhau, nhưng có thể chúng ta đó giờ đã luôn bỏ mặc, quên, hoặc xem nhẹ đi những cách kiểm soát, giải tỏa khác, thường chúng ta hay thiên hướng để ý ở góc độ cá nhân hơn nhìn về hướng cộng đồng, xã hội. Như việc chúng ta có thể ra ngoài kết nối với bạn bè, chia sẻ cho nhau những muộn phiền trong cuộc sống cũng là cách để giải tỏa cảm xúc.
Và vì thế, ta nên nhìn nhận các góc nhìn như là một thể thống nhất, không nên tách rời riêng biệt, không có giải pháp hay góc nhìn nào tốt hơn, mà đó là sự tổng hòa, chọn lọc các giải pháp tốt nhất. Để các bạn có thể cho mình những thái độ, quyết định phù hợp cho chính các bạn.
Tài liệu tham khảo:
[1] Manderson, L., Cartwright, E., & Hardon, A. (Eds.). (2018). The Routledge Handbook of Medical Anthropology. Routledge, Taylor & Francis Group.
[2] Castro, D. (2015). Tâm lý học lâm sàng: Khái niệm – Các trường phái – Đánh giá tâm lý – Trị liệu tâm lý – Tâm bệnh học – Phương pháp nghiên cứu – Trường hợp lâm sàng. Nhà xuất bản Tri thức.
[3] Châu, N. T. M. (2011). Giáo Trình Tâm Lý Y khoa. Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bộ môn Tâm thần – Tâm Lý y khoa.
[4] Impact of the DSM-IV to DSM-5 Changes on the National Survey on Drug Use and Health. (2016, June). NCBI. Retrieved April 28, 2023, from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519704/table/ch3.t30/