“Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn”
Khi vô tình nghe được tiếng “ầu ơ ví dầu” từ đâu đó, chắc hẳn hầu hết chúng ta – những người ở độ tuổi trưởng thành đều sẽ được gợi nhớ về những ký ức thuở bé, khi còn nằm nôi quấy khóc được cha mẹ bế bồng hát ru. Hát ru – hành động lặp đi lặp lại những bài hát có cấu trúc đơn giản. Khúc hát ru được cất lên nhằm đưa trẻ em đưa vào giấc ngủ. Trong nhiều nền văn hóa khác nhau, hát ru như là sự thể hiện tâm tư tình cảm của người hát nhằm truyền đạt kiến thức hay truyền thống văn hóa cho đứa trẻ, điều chỉnh hành vi của đứa trẻ ngay từ lúc còn nằm nôi. Song, thời gian thoi đưa, những đứa trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay trưởng thành, liệu có còn biết đến tiếng “ầu ơ” này không?
Âm nhạc cũng như là một cách tô điểm cho phương thức giao tiếp bằng tiếng nói của con người – thông qua việc trau chuốt, trang trí và phóng đại các chuỗi âm thanh có nghĩa hay vô nghĩa âm nhạc kết nối con người lại với nhau và đồng thời truyền tải những ý nghĩa nhất định theo một cách có vần điệu, nhịp nhàng hơn. Hay theo Pantaleoni (1985) âm nhạc chính là sự tôn vinh bản sắc. Âm nhạc được biểu diễn cho những khán giả có quan hệ thân thiết được xem là “âm nhạc dân gian”, âm nhạc nói chung dành cho những người khác giả “xa lạ” không thân quen được gọi là âm nhạc đại chúng.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ những người làm nhạc chuyên nghiệp, những người chăm sóc trẻ nhỏ, người lớn trong xã hội công nghiệp hiện đại thường xem ca hát là việc làm tầm thường và ít dành thời gian cho nó. Nhưng bất kể các quan điểm cho rằng âm nhạc không có giá trị tồn tại (Granit: 1977; Winner: 1982), sự phổ biến của âm nhạc vẫn đang ngày càng được lan rộng hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đối với lĩnh vực chăm sóc, giáo dục trẻ em – những bài hát ru cho trẻ (Trehub & Schellenberg: 1995)
Trong nghiên cứu về các hình thức, tác động, mặt lịch sử, văn hóa và cả các mối liên hệ đặc biệt của bài hát ru với những công việc chăm sóc trẻ em. Tác giả Sandra Trehub chứng minh rằng việc hát ru vốn đã bắt nguồn từ những xã hội nguyên thủy cổ xưa và vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay bất kể các tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thậm chí nếu xem xét kỹ lưỡng còn có thể thấy được rằng việc hát ru còn có những tương đồng nhất định đối với những thực hành tâm linh trong xã hội bây giờ. Hát ru đã trở thành một phương tiện hữu hiệu, một nghi lễ để cả khán giả – trẻ em và người trình diễn đối phó với những vấn đề trong cuộc sống.
Trước hết về những điểm đặc biệt đã khiến việc hát ru, về cơ bản đã trở nên tương đồng với các thực hành tâm linh và người hát ru cũng đóng vai trò như một “thầy pháp” trong hoạt động hát ru của mình. Về nguồn gốc: trong nhiều nền văn hóa, giá trị và ý nghĩa của bài hát ru bắt nguồn từ những truyền thuyết dân gian khác nhau, như truyền thuyết của Mbuti Pygmies về bài hát hay nhất trong rừng, và việc học hỏi các bài hát thường được thúc đẩy bởi niềm tin vào nguồn gốc tổ tiên hoặc bởi chính sự thần bí và những hiệu quả ma thuật của chúng. Về ý nghĩa, bài hát ru còn được ví như một dạng “bùa thuật” hay một câu “thần chú” (Farber: 1990, Ikegami: 1986) với lời hát có cấu trúc đơn giản, âm tiết lặp lại, thường mang ý nghĩa tương tự như “lời khấn” trong buổi lễ của các pháp sư: sự răn đe, trừng phạt, ý nghĩa văn hóa, giáo dục của một xã hội nhất định,… Hay chính hoạt động hát ru kết hợp với các động tác tay đơn giản (vỗ tay, múa tay,…) cũng đã biến người hát ru hoạt động như một nhà ma thuật trong “nghi lễ” do chính mình tạo ra (Ikegami: 1986).
Tuy nhiên, khác với các nghi lễ thường mang tính tác động một chiều (đem đến lợi ích cho khán giả), hát ru lại đem đến các tác động tích cực hai chiều cho cả người nghe và những người thực hành chúng. Những bài hát ru có khả năng điều chỉnh trạng thái của trẻ, làm trẻ thích thú và đồng thời còn có thể giáo dục trẻ thông qua ngôn từ, nội dung bài hát. Như những gì Fabia Franco (2022) nghiên cứu, trẻ 6 tháng tuổi thường thích lắng nghe tiếng hát hơn âm thanh của nhạc cụ, và việc cha mẹ hát với trẻ sơ sinh đem đến hiệu quả tích cực rõ rệt đối với khả năng ngôn ngữ của trẻ. Trẻ em cũng trở nên thư giãn hơn khi lắng nghe các bài hát ru, sự thư giãn này đã được Constance M. Bainbridge (2021) xác định cụ thể trên mặt khoa học như xem xét nhịp tim, đồng tử, điện từ phát ra từ đứa trẻ khi lắng nghe tiếng hát ru.
Trong chiều tác động ngược lại, khi âm nhạc còn có tác dụng giảm thiểu các gánh nặng về mặt thể chất trong lao động (Keli: 1979), vai trò của hát ru trong việc chăm sóc trẻ em cũng vậy. Những bài hát ru có tác dụng giúp giảm đi đáng kể những gánh nặng thể chất của công việc chăm sóc và đồng thời nuôi dưỡng cảm xúc của chính những người chăm sóc, giải thoát tâm trạng của chính mình bằng lời bài ru. Như việc người mẹ trong ngôi làng nông nghiệp biệt lập tại Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1995 phải giải tỏa tâm trạng u buồn do người chồng vắng mặt bằng cách chuyển tải tâm trạng thành lời hát ru và hát cho đứa trẻ nghe, lúc này chính sự hiện diện của một người nghe không hiểu gì về lời hát – đứa trẻ đã cho phép người mẹ giải tỏa những bất mãn thầm kín của mình.
Tóm lại, việc hát ru đã và đang được xem như một nghi thức nhằm tăng cường/củng cố quan hệ giữa người hát và khán giả (trẻ em). Bằng cách chọn những bài hát có giá trị thông tin, mang tính giáo dục, mang giá trị văn hóa quan trọng, những người chăm sóc cũng có thể thông qua việc hát ru để thể hiện tình yêu thương, bộc lộ cảm xúc, đồng thời truyền tải kiến thức cho trẻ em. Nói cách khác, thông qua việc hát ru, có thể xác định được cách xã hội, nền văn hóa bất kỳ đánh giá về giá trị của trẻ em.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện đại ngày nay, làm sao để giữ “ngọn lửa” hát ru trong tim của người Việt lại là một vấn đề nan giải. Làn gió công nghiệp thổi qua từng làng quê, từng gia đình. Cuộc sống hiện đại đang tách rời các giá trị truyền thống. Thứ “ru ngủ” trẻ em ngày nay hẳn chỉ còn là những bài nhạc trending, là âm thanh từ video ngắn trên các nền tảng trực tuyến, tiếng hát ru dường như đã im lặng trên nhịp nôi của nhiều người mẹ. Các gia đình hạt nhân hình thành ở đô thị, họ sống theo kiểu mới, ảnh hưởng nhiều giá trị Tây phương, các giá trị đó như là những dòng nhạc mới xâm lấn vào nền văn hóa âm nhạc cổ truyền dân tộc. Những đứa trẻ được đưa vào nhà trẻ có còn được nghe tiếng hát ru?
May mắn thay, hiện nay vẫn còn số ít các cuộc thi hay liên hoan hát ru được tổ chức ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần gìn giữ và bảo tồn truyền thống hát ru. GS-TS Trần Văn Khê, sau lần tham dự buổi Liên hoan hát ru đầu tiên của Viện Nghiên cứu âm nhạc và Múa tổ chức vào đầu năm 1989, đã chia sẻ: cuộc thi lúc ấy có người già nhất tận 74 tuổi và trẻ nhất là 17 tuổi, với nhiều điệu hát ru độc đáo, thậm chí có cả bài hát ru “Gà trống nuôi con” bằng tiếng Quảng Đông. Sau từng ấy năm, dù tiếng hát ru không còn vang vọng thường xuyên như xưa, nhiều người yêu mến nền âm nhạc dân tộc vẫn đang ra sức bảo tồn và phát huy nó. Thị trường, hiện nay cũng dần xuất hiện các đĩa nhạc về tiếng hát ru, có thể thấy thị hiếu nghe hát ru cũng đã bắt đầu trở lại. Nếu có thể vận dụng sự phát triển của công nghệ hiện nay vào việc bảo tồn và phát triển tiếng hát ru, có lẽ nét đẹp truyền thống xa xưa này rồi sẽ có ngày quay trở lại.
Hãy luôn cố gắng giữ hát ru trên môi vì hát ru chính là dòng sữa mẹ nguyên chất nuôi dưỡng cho tâm hồn trẻ thơ những giá trị nhân văn, dạy cho chúng truyền thống của dân tộc. Mong rằng trong tương lai tiếng hát ru sẽ có ngày được hồi sinh trở lại trong từng ngôi nhà trên đất nước Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Pantaleoni, H. (1985). On the nature of music. Oneonta, NY: Welkin.
Granit, R. (1977). The purposive brain. Cambridge, MA: MIT Press.
Winner, E. (1982). Invented worlds: The psychology of the arts. Cambridge, MA: Harvard University Press.
Trehub, S. E, & Schellenberg, E. G. (1995). Music: Its relevance to infants. In R. Vasta (Ed.), Annals of Child Development (Vol. 11, pp. 1—24). New York: Jessica Kingsley.
Farber, W. (1990). Magic at the cradle: Babylonian and Assyrian lullabies. Anthropos, 85, 139-148.
Ikegami, Y. (1986). The lullaby as magic: A textual analysis of traditional Japanese children’s songs. In Y. Tokumari & O. Yamaguti (Eds.), The oral and the literate in music (pp. 96-109). Tokyo: Academia Music.
FRANCO, F., SUTTORA, C., SPINELLI, M., KOZAR, I., & FASOLO, M. (2022). Singing to infants matters: Early singing interactions affect musical preferences and facilitate vocabulary building. Journal of Child Language, 49(3), 552-577.
Bainbridge, C.M., Bertolo, M., Youngers, J. et al (2021) Infants relax in response to unfamiliar foreign lullabies. Nat Hum Behav 5, 256–264
Trehub, Sandra & Trainor, Laurel. (1998). Singing to infants: Lullabies and play songs. Advances in Infancy Research. 12. 43-77.
Khê, Trần Văn. (2004). Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam . ?không biết chủ biên : NXB Trẻ , 2004.