Xã hội ngày nay nhìn nhận đám cưới như một hình thức thương mại hóa mối quan hệ hơn là những lễ nghi. Hay nói cách khác, việc quyết định xem “đi cưới” bao nhiêu tiền của một người cũng không khác gì so với việc lựa chọn hàng hóa dựa trên giá cả niêm yết trong siêu thị, người ta lựa chọn những sản phẩm đem đến lợi ích tốt nhất cho mình sau quá trình cân đo, đong đếm giá trị, giá cả phù hợp và “sản phẩm” được lựa chọn mua bán ở đây là những mối quan hệ xã hội.
Đám cưới trong xã hội Việt Nam là một là một ví dụ điển hình cho việc dòng tiền tệ đã chuyển đổi mối quan hệ xã hội như thế nào. Hầu hết các gia đình ở Việt Nam sẽ tổ chức hai lễ cưới.
Một lễ cưới thuộc về nội bộ: tổ chức tại nhà, trước bàn thờ gia đình, cúng tổ tiên ở nhà cô dâu, chú rể.
Còn lễ thứ hai sẽ tổ chức ở nhà hàng với phạm vi rộng mở hơn: bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên,… số khách mời có thể lên đến vài trăm người, với màn trình diễn âm nhạc, cắt bánh, rót rượu theo phong cách phương Tây.
Cách mà người khách quyết định sẽ tặng quà cưới cho cô dâu chú rể trong hai lễ cưới cũng mang những giá trị tinh thần khác nhau. Với những lễ cưới mang phạm vi nội bộ, món quà cưới có thể là trang sức bằng vàng, bằng ngọc hay tiền bạc nhưng chúng đều mang ý nghĩa biểu trưng cho sự lâu bền, cho tình cảm gắn kết thân tộc. Còn trong các đám cưới chiêu đãi khách, đi phong bì bao nhiêu tiền lại trở thành giá trị để trao đổi mối quan hệ. Tiền quà cưới không chỉ dựa vào quan hệ với cô dâu chú rể hay cha mẹ của họ, mà còn dựa vào danh tiếng của nhà hàng mời cưới, quy mô tổ chức, địa vị của người tổ chức. Thông qua giá trị của phong bì, con người, hay cụ thể là những người khách “bên ngoài” gửi gắm niềm tin và mong muốn sẽ đạt được một mối quan hệ đem đến lợi ích cho bản thân, dù tất cả những hành động chuyển đổi này không có bất cứ nền tảng nào đảm bảo là sẽ thành công.Như vậy, dựa trên những tìm hiểu về hình thức tặng/biếu tiền trong đám cưới, nhà Nhân loại học Allison Truitt (2013) đã rút ra được một kết luận rằng biểu tượng cho đám cưới ở Việt Nam không đơn thuần là chiếc nhẫn bằng vàng được trao trong lễ cưới, mà là những chiếc phong bì chứa tiền mặt của người tham dự. Và giá trị của những giao dịch, của việc tặng, biếu tiền không nằm ở đồng tiền do nhà nước phát hành, mà ở những mối quan hệ xã hội được củng cố thông qua những quan hệ trao đổi quà bằng tiền.
Tư liệu tham khảo:
Truitt, Allison. 2020. Money, The Cambridge Encyclopedia of Anthropology
Truitt, Allison, 2013, Dreaming of Money in Ho Chi Minh City, pp. 104-125, University of Washington Press.