Trong thời hiện đại ngày nay, khi người phụ nữ chuyển dạ thì việc sinh đẻ đều được bệnh viện cùng đội ngũ bác sĩ lo liệu. Nhưng trong ghi chép các tài liệu thuộc địa từ thời Pháp thì phụ nữ ở làng xã Việt Nam thời xưa việc sinh đẻ của họ đều phải qua tay các bà mụ hay còn gọi là người phụ nữ làm nghề đỡ đẻ.
Nhiệm vụ của bà mụ không chỉ giúp thai phụ có thể mẹ tròn con vuông. Bà ấy có nhiệm vụ nữa là giao tiếp với thế lực siêu nhiên và thần linh. Những người làm nghề bà mụ thời xưa sẽ thờ Mười hai Mụ Bà.
Mười hai Mụ Bà này trong quan niệm ngày xưa là người bảo hộ cho người mẹ và đứa trẻ sơ sinh.

Khi giai đoạn sinh nở đến, bà mụ có nhiệm vụ chịu trách nhiệm thay mặt gia đình thực hiện là đưa mâm cúng, lễ vật dâng lệ Mười hai Mụ Bà. Những ca sinh khó thì càng phải “cầu cạnh” rất nhiều vào việc thờ cúng Mười hai Mụ Bà. Người Việt Nam trước đây quan niệm rằng sinh khó là do bị tà khí cản trở hoặc do linh hồn thai nhi không muốn rời khỏi bụng mẹ. Bà mụ phải thực hiện nghi lễ để xua đuổi thế lực tà ma hoặc xoa dịu linh hồn thai nhi để có thể chui ra. Những lúc sinh khó, bà mụ còn thực hành cúng bái Ông Địa để ông ấy trợ giúp như là bảo vệ gia đình trước tình huống không may mắn có thể xảy ra do sinh khó. Thậm chí, nếu làm các biện pháp trên vẫn không được, bà mụ sẽ thuyết phục gia đình mời thầy cúng trong làng để thực hành các nghi lễ có pháp thuật mạnh hơn để trục xuất những thế lực tà ác này.
Khi đứa trẻ được sinh ra thì bà mụ không phải là đã kết thúc nhiệm vụ của mình. Các gia đình thường mời các bà mụ tham gia nghi lễ đặc biệt để mừng thôi nôi đứa trẻ. Trong những dịp thôi nôi này, bà mụ sẽ thực hiện cúng Thổ Địa và Mười hai Mụ Bà để cầu bình an, sức khỏe, phù hộ cho đứa trẻ. Các gia đình thường đặt tin tưởng rất lớn bà mụ. Vì thế, một bà mụ có thể đỡ đẻ cho cả mẹ và con gái, hay nhiều thành viên khác trong gia đình, họ tộc. Có thể thấy rằng công việc đỡ đẻ của các bà mụ không phải là công việc toàn thời gian mà là công việc cam kết trọn đời nhờ sự tin tưởng, tín nhiệm của các thành viên trong gia đình. Nhưng trong khi đó, tài liệu y học thời Pháp thuộc xem các bà mụ là đỡ đẻ dơ bẩn, không có kỹ thuật, làm các ca sinh nở không an toàn và khỏe mạnh. Ngược lại, các gia đình Việt Nam vẫn đề cao phương pháp đỡ đẻ truyền thống thông qua các bà mụ. Vì chính các bà mụ có thâm niên trong các phong tục, nghi lễ sinh đẻ ở địa phương.
Cuối cùng, các thực hành thực hành nghi lễ của bà mụ theo quan điểm nhân loại học từ phía chúng tôi như là cách trấn an tâm lý và lấy bình tĩnh cho thai phụ, gia đình trong những giây phút khó khăn trong việc sinh nở. Điều này cho thấy rằng nghi lễ của việc đỡ đẻ truyền thống từ các bà mụ cũng góp phần quan tâm vào tâm lý của người phụ nữ trong quá trình sinh nở và hậu sinh nở.
Danh sách Mười hai Mụ Bà, mỗi bà có nhiệm vụ riêng trong việc sinh nở và dạy dỗ đứa trẻ, bao gồm:
1. Mụ bà Trần Tứ Nương coi việc sanh đẻ (chú sanh)
2. Mụ bà Vạn Tứ Nương coi việc thai nghén (chú thai)
3. Mụ bà Lâm Cửu Nương coi việc thụ thai (thủ thai)
4. Mụ bà Lưu Thất Nương coi việc nặn hình hài nam, nữ cho đứa bé (chú nam nữ).
5. Mụ bà Lâm Nhất Nương coi việc chăm sóc bào thai (an thai)
6. Mụ bà Lý Đại Nương coi việc chuyển dạ ( chuyển sanh)
7. Mụ bà Hứa Đại Nương coi việc khai hoa nở nhụy ( hộ sản )
8. Mụ bà Cao Tứ Nương coi việc ở cữ (dưỡng sanh)
9. Mụ bà Tăng Ngũ Nương coi việc chăm sóc trẻ sơ sinh ( bảo tống )
10. Mụ bà Mã Ngũ Nương coi việc ẵm bồng con trẻ ( tống tử )
11. Mụ bà Trúc Ngũ Nương coi việc giữ trẻ (bảo tử)
12. Mụ bà Nguyễn Tam Nương coi việc chứng kiến và giám sát việc sinh đẻ (giám sanh).
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đổng Chi. Lược khảo về thần thoại Việt Nam. Ban Văn Sử Địa, Hà Nội, 1956.
Nguyen, Thuy Linh. Childbirth, Maternity, and Medical Pluralism in French Colonial Vietnam, 1880-1945. Vol. 37. Boydell & Brewer, 2016.