Vào ngày Quốc tế phụ nữ là 8/3 với nhiệm vụ lịch sử của nó là việc công nhân nữ ở phương Tây đấu tranh đòi quyền lợi lao động. Trong nền kinh tế thị trường này, ngày 8/3 bị biến thành ngày mà đàn ông có nghĩa vụ phải tặng quà cho nữ, thị trường “sale off” hàng hóa để tăng sự tiêu thụ. Một số công ty, đoàn thể tổ chức các cuộc thi thể hiện sự “đảm đang” của người phụ nữ, bắt các phụ nữ tham gia cuộc thi trổ tài “đảm đang” của mình từ việc nấu ăn, may vá, làm thủ công. Sau đó, các ông đàn ông đút tay vào túi quần chấm điểm và xem phụ nữ nào “đảm đang” hơn. Cuối cùng, người phụ nữ đoạt giải sẽ rất tự hào và vui mừng vì được công nhận “đảm đang”, mà cái “đảm đang” của họ được chấm điểm bởi người đàn ông. Chúng tôi cho rằng những hành động kỷ niệm Quốc tế phụ nữ của các công ty, đoàn thể như là một nghi lễ nổi loạn, hành động trên không nhằm giúp cho hướng đến bình đẳng giới, mà còn làm củng cố bất bình đẳng giới hơn.
Nhà nhân loại học Max Gluckman là một trong những đại diện thuyết chức năng cấu trúc ở Anh. Trong công trình của ông về các tộc người ở Châu Phi, ông nhận định rằng các nghi lễ ở Châu Phi thường có xu hướng nổi loạn và chống đối các trật tự của xã hội họ. Xã hội của người Zulu mà Gluckman nghiên cứu là một xã hội theo chế độ phụ hệ. Trong nghiên cứu của Gluckman, ông đã miêu tả nghi lễ nỗi loạn của phụ nữ Zulu. Phụ nữ Zulu thường có nghi lễ mỗi năm để làm hài lòng vị nữ thần có tên là Nomkubulwana. Vị nữ thần này trong quan niệm người Zulu là đem cho họ mùa màng tươi tối và là người dạy họ mọi kỹ năng của việc trồng trọt, thu hoạch mùa màng. Khi nghi lễ này được diễn ra, người phụ nữ Zulu sẽ khỏa thân và hát những bài hát gợi tình tỏ ra giống như những người đàn ông. Đàn ông thì chỉ ở trong lều và nhìn ra từ xa, không được đến gần phụ nữ vì nếu đến gần phụ nữ có quyền tấn công người đàn ông đó. Ngày thường, phụ nữ Zulu bị cấm đụng vào gia súc vì xui xẻo nhất là trong giai đoạn kinh nguyệt, nhưng trong nghi lễ này phụ nữ được quyền lùa gia súc và cho chúng ăn, vắt sữa chúng. Trong nghi lễ Nomkubulwana thì người phụ nữ Zulu được giải phóng khỏi những trật tự ràng buộc thống trị họ trong xã hội phụ hệ của người Zulu hằng ngày, trong giai đoạn nghi lễ thì đàn ông phải lo sợ họ, đàn ông cũng đồng thời ngưỡng mộ, khuyến khích họ vì chính điệu nhảy đầy tính khiêu dâm và tàn bạo của phụ nữ Zulu trong nghi lễ sẽ mang đến mùa màng bội thu cho năm sau. Việc phụ nữ Zulu chăm lo gia súc trong giai đoạn nghi lễ cũng làm đàn ông ở đây rất hài lòng. Phụ nữ Zulu cũng hài lòng về việc đó. Phụ nữ tộc người ở miền Nam Châu Phi như phụ nữ Tembu hành xử giống vậy khi tổ chức nghi lễ dậy thì cho con gái. Riêng miền Bắc Châu Phi thì phụ nữ Tsonga khỏa thân, hát bài hát gợi tình và đối xử tàn tệ với bất cứ người đàn ông nào mà họ gặp. Gluckman nhận định rằng chính các nghi lễ nổi loạn kiểu này chỉ là sự đảo ngược trật tự xã hội thường ngày, như là cái van xả sự kiềm kẹp của phụ nữ hằng ngày. Chính việc “xả” như vậy nhằm làm cho trật tự xã hội vẫn duy trì mà không có gì thay đổi sau khi kết thúc nghi lễ.

Vào ngày 8/3 ở Việt Nam thì kinh nghiệm của chúng tôi khi quan sát nhiều công ty, đoàn thể tổ chức các cuộc thi phụ nữ nấu ăn, khéo tay hay làm. Phía dưới thì đàn ông làm giám khảo, thuyết trình, chúc tụng lời nói, tặng món quà cho phụ nữ sau khi cuộc thi kết thúc. Trong đó, chúng tôi còn quan sát được là tặng tác phẩm làm từ hoa có tên là “Chín tháng Mười ngày” và phát biểu rằng “Đây là món quà mang ý nghĩa cho Thiên Chức làm mẹ”. Ngoài không gian công ty, đoàn thể, phụ nữ vào dịp 8/3 thì được người chồng, người yêu là nam giới tặng món quà và lời chúc. Còn có những ông chồng cả năm trời không phụ việc nhà, không rửa bát thì vào ngày này năng nổ vô cùng. Những biểu hiện chúng tôi nêu trên vào dịp 8/3 không khác gì nghi lễ nổi loạn của phụ nữ Zulu. Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ luôn được đưa vào trật tự xã hội thường ngày khi được cho rằng những công việc nội trợ, việc nhà, việc chăm sóc như là “thiên chức” gắn liền với họ từ khi sinh ra mà không cần bàn cãi, vì nó được cho là một điều hiển nhiên của phụ nữ phải làm nên không được tôn vinh trong đời sống thường ngày. Khi dịp lễ 8/3 đến thì tôn vinh những công việc được – cho – là – bình – thường của phụ nữ hay là “thiên chức” làm cho công việc ấy trở nên đáng trân trọng, có ý nghĩa, người phụ nữ từ vị thế thứ yếu nay lại đảo ngược vị trí thành người có quyền lực được ngưỡng mộ trong ngày hôm đó. Mọi giá trị của việc nhà, chăm sóc luôn bị gắn liền với phụ nữ được đem ra chúc tụng, ngợi ca. Một bộ phận phụ nữ thì cũng thích được tôn vinh như vậy vào dịp lễ 8/3 này. Chính việc tặng quà, tôn vinh phụ nữ theo cách thức của đoàn thể hay các hành vi mà chúng tôi nêu trên thì chúng tôi đều cho rằng đây là cơ chế “xả” những mệt nhọc, những bức bối, công việc không tên, không được trả lương khi làm việc nhà và chăm sóc của phụ nữ trong một năm qua. Mục đích cơ chế “xả” này không nhằm lật đổ chế độ phụ quyền mà tăng cường cấu trúc của chế độ phụ quyền hơn, ngăn việc phụ nữ “nổi loạn”, trật tự xã hội vẫn được duy trì.
Tóm lại, Ngày Quốc tế Phụ nữ có thể đóng vai trò là một cơ hội quan trọng để nâng cao nhận thức về những cuộc đấu tranh đang diễn ra mà phụ nữ phải đối mặt và kêu gọi bình đẳng giới. Mặc dù với cách nhìn trung dung hơn hành động nam giới tặng quà cho phụ nữ vào ngày này có thể được coi là một cử chỉ tượng trưng cho sự hỗ trợ và đoàn kết, nhưng điều quan trọng là phải xem xét ý nghĩa rộng lớn hơn của hành động này. Để thực sự đạt được bình đẳng giới, phụ nữ không nên hướng đến việc mong muốn nhận quà từ nam giới vào Ngày Quốc tế Phụ nữ và thay vào đó tập trung vào việc đoàn kết hỗ trợ những tỷ muội đang làm các công việc không được trả lương trong gia đình và lương thấp nơi công cộng. Bằng cách cùng nhau hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực công việc, bất kể được trả lương hay không, chúng ta có thể giúp thách thức các câu chuyện xã hội chi phối vẫn duy trì sự phân biệt đối xử và áp bức trên cơ sở giới. Bằng cách này, Ngày Quốc tế Phụ nữ có thể là công cụ mạnh mẽ cho hành động tập thể và phản kháng lại các hệ thống gia trưởng và chuẩn mực văn hóa. Chúng ta làm việc cùng nhau để hỗ trợ và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực công việc, từ đó có thể giúp tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.
Tài liệu tham khảo:
GLUCKMAN, Max. Rituals of rebellion in south-east Africa. Manchester University Press, 1954.
KAPLAN, Temma. On the socialist origins of International Women’s Day. Feminist Studies, 1985, 11.1: 163-171.