Phỏng vấn nhà Nhân loại học Hạng Tiêu (Phần 2)
III. Trốn thoát và Trốn tránh
Phóng viên: Một mặt, “những điều gần gũi” đi theo bạn, tập trung xung quanh bạn. Nhưng mặt khác, xã hội ngày nay tính lưu động rất cao, vì vậy chúng ta có thể lựa chọn “những điều gần gũi” của riêng mình phải không? Nếu chúng ta không thích “những điều gần gũi” này, chúng ta có thể trốn thoát. Chẳng hạn chúng ta nghe nói giới trẻ ngày nay rất khó quản lý, cứ “không hài lòng là nghỉ việc”. Vì vậy trong xã hội hiện đại, mọi người đều có thể lựa chọn môi trường nhỏ xung quanh, trong khi điều thực sự không thể trốn tránh là môi trường lớn. Vậy thứ khiến giới trẻ cảm thấy bất lực là thực ra môi trường lớn, nhưng họ cũng không có khả năng xây dựng môi trường nhỏ xung quanh mình, đó là hoàn cảnh của họ. Liệu chúng ta có thể nói rằng trong điều kiện lưu động cao như hiện nay, “tính thực tế” của “những điều gần gũi” đã bị phá hủy phần lớn?
Hạng Tiêu: Thanh niên liên tục lựa chọn và trốn thoát khỏi môi trường nhỏ xung quanh, nhưng chạy tới chạy lui, cuối cùng tình huống vẫn không thể thay đổi. Theo nghĩa đó, “sự biến mất của những điều gần gũi” liên quan tới khái niệm “lơ lửng” mà tôi từng đề xuất.
Tôi nêu ra khái niệm “lơ lửng” lần đầu là vào những năm 1990, khi nghiên cứu ở Đông Quản. Tôi thấy có công nhân xung đột với đồng nghiệp hoặc quản lý xưởng liền chuyển công ty. Chuyển công ty là cách duy nhất họ giải quyết vấn đề, nhưng cuối cùng, thực tế là họ bị thiệt hại lớn về mặt kinh tế, không tích lũy và ổn định được, đồng thời cũng tổn thất rất nhiều về mặt tinh thần. Chuyển đi chuyển lại mà không thoát khỏi tình huống cơ bản. Quyền lựa chọn môi trường nhỏ như vậy có thể gọi là trốn tránh, dùng trốn tránh để giải quyết đơn giản các vấn đề thay vì đối mặt với chúng. Nói đến cảm giác bất lực, nếu bạn không cố gắng chút nào, bạn sẽ không cảm thấy bất lực. Người theo Phật giáo không cảm thấy bất lực. Bạn cảm thấy bất lực vì bạn muốn cố gắng, nhưng bạn cũng cảm thấy cố gắng không có tác dụng gì, nguồn gốc điển hình nhất của cảm giác bất lực đến từ việc trốn tránh, từ hi vọng tạo ra sự thay đổi thông qua những lựa chọn nhỏ như vậy nhưng lại không làm được.
Phóng viên: Điều này liên quan thế nào tới “những điều gần gũi”?
Hạng Tiêu: “Những điều gần gũi” phản đối cách tiếp cận đó. Tôi không nói con người không nên di chuyển, bởi vì lợi ích cá nhân, phong cách sống và nhiều lý do khách quan khác, di chuyển là rất bình thường. Bạn trẻ từ một ngôi làng hay thị trấn nhỏ ra ngoài, muốn đến thành phố lớn xem thử trong một giai đoạn nhất định của cuộc đời, điều đó rất tự nhiên.
Nhưng vấn đề là di chuyển có đồng nghĩa với trốn tránh hay không? Việc di chuyển liên tục của bạn có phải là trốn tránh vĩnh viễn hay không. Khi rời khỏi một nơi, điều đó vốn không có vấn đề gì, nhưng sau khi rời đi và đến một nơi mới, bạn lại cần tái thiết lập mối quan hệ với “những điều gần gũi” tại nơi vừa mới đến. Nếu lại phát hiện ra vấn đề, trước tiên bạn nên đối mặt với những vấn đề đó, phân tích, xử lý và giải quyết trong phạm vi khả năng của bản thân. Như vậy đó là thái độ không trốn tránh. Vì vậy, thanh niên có nhiều cách lựa chọn môi trường nhỏ, nếu bạn nghỉ việc cứ mỗi khi không hài lòng thì cần phải tự kiểm điểm lại. Hiện nay chi phí di chuyển trong xã hội thấp, khiến việc phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể ít được cộng đồng chú trọng. Có vấn đề là bỏ đi, nhưng vấn đề vẫn sẽ luôn tồn tại ở đó. Theo khái niệm kinh tế, đó là chi phí thoát ra quá thấp, khiến trò chơi có thể tiếp tục mà không cần thay đổi quy tắc, bởi vì bạn thoát ra rồi, người khác lại tiếp tục tham gia vào.
“Những điều gần gũi” hướng tới là thái độ đằng sau việc di chuyển không phải là thái độ trốn tránh, và bạn cũng có thể quay trở lại sau khi thoát ra, vân vân. Điều quan trọng nhất là trong quá trình di chuyển, con người tạo ra mối quan hệ với mọi “điều gần gũi” họ gặp phải ở mỗi thời điểm, cảm thấy mỗi “điều gần gũi” vào mỗi thời điểm đều đáng sống, tôi có thể hòa mình vào “những điều gần gũi” cụ thể.
Do đó, chính “những điều gần gũi” không liên quan trực tiếp đến việc có di chuyển hay không. Vả lại, liệu việc di chuyển của mọi người ngày nay có phải lúc nào cũng do chính bản thân họ lựa chọn? Phần lớn mọi người di chuyển là bị ép buộc. Vì vậy, lựa chọn hay không lựa chọn là vấn đề khá trung tính, rất khó đồng nhất việc di chuyển với lựa chọn. Nhưng bất kể thế nào, chúng ta nên sử dụng thái độ sinh thái để xem xét quá trình và kết quả cụ thể của việc di chuyển, để xem việc di chuyển này hình thành mối quan hệ gì với môi trường xung quanh ở mỗi bước.
[CÒN TIẾP…] [XEM LẠI PHẦN 1 Ở ĐÂY]
—
Nhà nhân loại học Hạng Tiêu là giám đốc Viện Nhân loại học Xã hội Max Planck ở Đức và là Giáo sư Nhân loại học xã hội tại Đại học Oxford ở Anh. Là một nhà nhân loại học, Hạng Tiêu trong những năm đầu của mình đã nổi tiếng nhờ nghiên cứu về các làng Chiết Giang, sau đó đi du học và thực hiện nghiên cứu dân tộc học ở nước ngoài tại Úc, Đông Nam Á và những nơi khác. Ông từ lâu đã cam kết nghiên cứu các lĩnh vực di cư và dịch chuyển dân cư, thị trường lao động và tái sản xuất xuyên quốc gia.Từ góc độ di cư, nghiên cứu của ông liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế chính trị, trong đó có mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, lao động, tái sản xuất xã hội và quản lý tính di động. Cuốn sách Global “Body Shopping” của ông đã giành được Giải thưởng Anthony Leeds năm 2008, và bài báo Predatory Princes and Princely Peddlers của ông đã giành được Giải thưởng William L. Holland năm 2012. Cuốn sách tiếng Trung năm 2000 của ông “Cộng đồng xuyên ranh giới” (phiên bản tiếng Anh 2005) được xuất bản vào năm 2018. như một tác phẩm kinh điển đương đại trong nhân loại học xã hội. Các tác phẩm tiếng Trung của ông như “Đưa bản thân trở thành một phương pháp”, “Kết thúc kỷ nguyên “tri thức trẻ” của khoa học xã hội Trung Quốc, “Người Trung Quốc như chim ruồi, vỗ cánh tung bay giữa trời không”… đã gây ra phản hồi mạnh mẽ và lâu dài ở độc giả Trung Quốc. Tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý. Ông vừa được độc giá Tạp chí People Trung Quốc bình chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu của Trung Quốc vào năm 2023.