Phỏng vấn nhà Nhân loại học Hạng Tiêu (Phần 1) – Xây dựng lại những điều gần gũi: Thanh niên ngày nay lấy sức mạnh từ đâu trong thực tế?
“Gần gũi” là một thuật ngữ được đề cập và phát triển bởi được nhà Nhân loại học Hạng Tiêu, đặc biệt chú trọng ý tưởng “xây dựng lại những điều gần gũi” như một lời khuyên dành cho thanh niên ngày nay. Tạp chí Nghiên cứu Thanh niên Đương đại gần đây đã phỏng vấn Hạng Tiêu, cuộc phỏng vấn được chia thành hai phần, phần 1 tập trung thảo luận về nguồn gốc, bối cảnh, giá trị và vai trò của khái niệm “gần gũi”. Hạng Tiêu cho rằng, khái niệm “gần gũi” chịu ảnh hưởng của triết học hiện sinh và thực dụng, nhằm phát triển ý tưởng “nhân loại học về cuộc sống”, hy vọng có thể giúp cá nhân biết cách xử lý cuộc sống của họ trong bối cảnh không thể thay đổi môi trường tổng thể. “Gần gũi” chính là một lối mở thực tế, nhỏ bé để giải quyết vấn đề khó khăn này.
Cuộc phỏng vấn đặc biệt này được đăng tải lần đầu tiên trên Tạp chí Nghiên cứu Thanh niên Đương đại số 5 năm 2023 do Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải xuất bản. Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Thời sự được cấp phép đăng tải lại, nhằm phục vụ độc giả. Kulavietnam trân trọng giới thiệu bản dịch của cuộc phỏng vấn này được chia làm nhiều kỳ.
Trong những năm gần đây, Hạng Tiêu trở thành một nhà nhân loại học nổi bật với các ý tưởng chuyển đổi các khái niệm học thuật thành ngôn ngữ công cộng. Ông cho rằng, khoa học xã hội thế kỷ 21 chắc chắn phải mang tính đối thoại, các lý thuyết được sản xuất theo kiểu thao tác với ngôn ngữ không phù hợp với cảm nhận của đại chúng; ngày nay, học thuật chỉ được xem hiệu quả khi đem đến những đóng góp nhất định, có lẽ ta không thể đưa ra câu trả lời cụ thể, nhưng phải giúp mọi người tìm ra câu trả lời.
Hạng Tiêu luôn nhạy cảm với nỗi lo lắng của thanh niên Trung Quốc, ông hy vọng có thể giải thích những “niểm trăn trở” của thanh niên, đáp ứng các câu hỏi phổ biến về cảm giác lo lắng của họ. Đồng thời, các vấn đề trong cuộc sống thực tế luôn là một mớ hỗn độn chồng chéo dày đặc. Làm thế nào để tìm được vấn đề thật sự xuất phát từ cảm nhận thực tế của đại chúng, làm rõ các vấn đề mơ hồ, xoay quanh cuộc sống, thoát khỏi tư duy chia cắt cuộc sống theo các lĩnh vực học thuật, hình thành cách suy nghĩ và góc nhìn hiệu quả, toàn diện về cuộc sống, đó là phương pháp nghiên cứu mới mà Hạng Tiêu đang thử nghiệm, ông gọi nó là “Cách tiếp cận Nỗi lo tập thể” (Common Concerns Approach). Vì vậy, ông thường xuyên tham gia các cuộc thảo luận công cộng, đối thoại với các nhóm khác nhau, hy vọng can thiệp trực tiếp hơn vào xã hội và cuộc sống.
Vậy cách tiếp cận này, lấy bản thân làm phương pháp, lấy “niềm trăn trở” làm phương pháp, lấy đối thoại làm phương pháp, sẽ mang lại hiệu quả gì khi thảo luận về các vấn đề của thanh niên ngày nay? Với câu hỏi này, Tạp chí Nghiên cứu Thanh niên Đương đại đã phỏng vấn độc quyền Hạng Tiêu. Cuộc phỏng vấn bắt đầu từ khái niệm “gần gũi” thu hút nhiều sự quan tâm, thảo luận về cơ sở của thanh niên ngày nay để hiểu đời sống, cảm giác bất lực và mất kiểm soát đối với môi trường lớn, cũng như cách ứng phó và hậu quả, tập trung chủ yếu vào tình trạng tinh thần, cảm giác thực tế, sức khỏe tâm thần của thanh niên ngày nay…
—
I. “Biến mất của những điều gần gũi”:
Chúng ta nhận thức về thế giới dựa trên một số khái niệm và nguyên tắc trừu tượng, thay vì dựa trên “tính cụ thể” của môi trường xung quanh như trước đây.
Phóng viên: Thưa ông, lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm “gần gũi” là khi nào? Và tại sao ông lại nghĩ ra khái niệm này?
Hạng Tiêu: Thực ra, việc đưa ra khái niệm này không phải do có suy nghĩ từ trước, mà là một quá trình phát triển dần dần. Quá trình này cũng không phải do tôi tự quan sát và suy nghĩ, mà chủ yếu là do sự tương tác. Trong đó, có những người khác thúc đẩy tôi suy nghĩ tiếp như là đồng nghiệp trong giới xã hội học, nhân loại học, nhưng nhóm đóng vai trò quan trọng hơn cả giới học thuật chính là đại chúng, là giới trẻ thông qua các thảo luận trên mạng xã hội. Ban đầu tôi hoàn toàn không nghĩ rằng khái niệm này sẽ có tác động lớn như vậy, nên bây giờ cần quay lại xem xét, tại sao nó lại có hiệu ứng như vậy. Vì vậy câu hỏi của cô rất hay: Vì sao “gần gũi” lại xuất hiện.
Lần đầu tiên tôi đề cập đến “gần gũi” có lẽ là vào mùa hè năm 2019, trong cuộc đối thoại của tôi với Tiến sĩ Hứa Trí Viễn trên chương trình “Mười Ba Lời Mời“. Lúc đó dường như chúng tôi đang nói đến quan niệm của xã hội về không gian – thời gian hiện đại. Tại sao bây giờ mọi người thường tỏ ra rất khó chịu khi shipper giao hàng trễ 2 phút. Chúng tôi cho rằng, cuộc sống hiện đại hoàn toàn bị chi phối bởi logic thời gian, logic không gian đã biến mất.
Trước đây, chúng ta nhận biết thời gian qua hành động của con người, ví dụ khoảng cách giữa tôi và bạn bằng một điếu thuốc lá, hay khoảng cách từ nhà bạn đến bờ ao sen bên kia bằng một quãng đường đi bộ. Thực tế, mức độ thời gian rất lớn được đo lường bằng không gian. Nhưng sau Cách mạng Công nghiệp, thời gian trừu tượng, tức là thời gian đồng hồ, trở nên rất quan trọng (điều này dĩ nhiên không phải do tôi phát minh ra, mọi người đều nói như vậy). Và bây giờ với công nghệ kỹ thuật số, ví dụ như giao dịch tài chính tần suất cực cao chỉ là một trò chơi về thời gian, cách kiếm tiền của nó là tôi phải nhanh hơn người khác nửa giây, dựa trên tốc độ và tần suất cực cao để mua và bán.
Khi thời gian trừu tượng thống trị cuộc sống của chúng ta như vậy, không gian hoàn toàn trở thành cái thứ yếu. Việc cảm thấy bực bội khi shipper giao hàng trễ 2 phút, là vì bạn hoàn toàn không xem xét anh ấy đi từ điểm nào trong không gian đến lấy đồ ăn ở nhà hàng, tình hình giao thông trên đường như thế nào, lúc vào cổng khu chung cư anh ấy phải trao đổi như thế nào với bảo vệ… Bạn hoàn toàn bỏ qua những yếu tố mang tính trải nghiệm và toàn bộ quá trình diễn ra trong không gian đó, bạn chỉ cần thứ đó phải được giao đến tay bạn trong khoảng thời gian trừu tượng do bạn quy định. Vì vậy, đây là một thứ “phi không gian hóa” hay nói cách khác “chế độ chuyên chế của thời gian”. Tôi đã đề cập đến “sự biến mất của những điều gần gũi” trong bối cảnh đó.
Sự biến mất của không gian “gần gũi” một mặt là do “chế độ chuyên chế của thời gian”, mặt khác vì trong cuộc sống hàng ngày chúng ta ngày càng xây dựng nhận thức về thế giới thông qua một số khái niệm và nguyên tắc trừu tượng, hơn là thông qua chính việc bản thân chúng ta cảm nhận những điều xung quanh. Ví dụ, hàng xóm của bạn làm gì? Những người dọn dẹp tầng dưới đến từ đâu? Nhà của họ ở đâu? Nếu nhà của họ không ở đây, họ về nhà bao nhiêu lần một năm? Những lo lắng và ước mơ của họ là gì? Những người bán trái cây, những người đến bán rau lúc bốn giờ chiều là ai? Những người này rất quan trọng đối với cuộc sống của bạn, nhưng họ sẽ không được phép vào khu chung cư, người ngăn cản họ ở bên ngoài khu chung cư là bảo vệ, bảo vệ lại là người giống họ. Đây chính là “vùng gần gũi”. Bởi vì cuộc sống thường ngày của chúng ta chính là do những người này tổ chức, nếu không có họ, cuộc sống của chúng ta sẽ không thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, chúng ta thường không nhìn thấy những “vùng gần gũi” này.
Mỗi “vùng gần gũi” là một không gian, điều thú vị ở đó là nó có tính xã hội rất mạnh, nó là nền tảng vật chất của bạn với tư cách là chủ thể xã hội, nâng đỡ bạn lên. Trong đó, có rất nhiều các mối quan hệ xã hội tinh tế, phức tạp, dường như không quan trọng nhưng thực chất là rất quan trọng.
Vì vậy, khởi đầu ban đầu khi đề xuất “vùng gần gũi” có lẽ là hai điểm, một là phản ứng lại cách cuộc sống xã hội của Trung Quốc được tổ chức bởi nỗi lo âu về thời gian, hai là cách mọi người hiểu về cuộc sống, đó là “vùng gần gũi” đã biến mất. Vì vậy, tôi đề xuất, cần chú ý đến “vùng gần gũi”, một mặt để xây dựng lại cuộc sống của chính mình, thoát khỏi “chế độ chuyên chế của thời gian”; mặt khác trong ý thức chủ quan, xây dựng lại cách thức hiểu thế giới và cuộc sống. Ban đầu chỉ đề xuất như vậy, lúc đó chỉ là một cách mô tả, nhưng nó có tính chất đối lập; sau này mọi người cảm thấy “vùng gần gũi” đáng để thảo luận, tôi nghĩ là vì họ thực sự cảm thấy có sự đối lập.
II. “Những điều gần gũi” là một “mỏ neo” giúp thanh niên tìm lại kiểm soát cuộc sống đang bị mất kiểm soát
Phóng viên: Ông từng nói, “xây dựng lại những điều gần gũi” không phải là một luận đề, mà là một lời khuyên, đặc biệt dành cho giới trẻ. Tại sao “những điều gần gũi” lại đặc biệt quan trọng đối với giới trẻ?
Hạng Tiêu: Lúc đó tôi có nhắc đến, thanh niên quan tâm tới hai thái cực. Một mặt, họ rất quan tâm bản thân, ví dụ thi cử, tốt nghiệp ra sao… Họ rất lo lắng về những vấn đề này. Nhưng mặt khác, thông qua mạng xã hội, người trẻ lại rất quan tâm những điều xa xôi, ví dụ một số cuộc khủng hoảng toàn cầu, sự hưng thịnh của các dân tộc… Những câu chuyện lớn này gây ra những dao động cảm xúc rất lớn trong các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Sự dao động cảm xúc là do các câu chuyện lớn này được hình thành thông qua nhiều cách nói trừu tượng, nhưng mọi người lại có nhận thức rất mơ hồ về cuộc sống xung quanh thực sự là như thế nào.
Khi dạy ở Đại học Oxford, tôi hỏi sinh viên Trung Quốc, cha mẹ bạn làm gì, từ nhỏ bạn thế nào, họ hàng bạn ra sao, giáo viên đại học dạy kiểu gì, vì sao lại dạy như thế, cơ chế khuyến khích giáo viên là gì… Rất ít người có thể nói rõ ràng. Nhiều bạn trẻ không thể giải thích rõ ràng cả cuộc đời của mình được dệt nên như thế nào, chuyện gì đã xảy ra dọc đường, nhưng họ có thể kể cho bạn rất nhiều khái niệm và lý thuyết lớn. Tôi cảm thấy rằng nếu một người thậm chí không thể giải thích rõ ràng những điều xung quanh họ, thì những gì họ nói về những vấn đề xa xôi chắc chắn cũng sẽ không có ý nghĩa gì, bởi vì họ thiếu khả năng có được sự nhận thức sâu sắc về kinh nghiệm của con người, họ chỉ lặp lại những từ ngữ từ sách khi nói. Vì vậy, tôi cảm thấy rất thất vọng. Từ góc độ của một giáo viên, tôi cảm thấy rằng nếu học sinh/sinh viên không hiểu “những điều gần gũi”, họ cũng sẽ không thể hiểu được thế giới.
Tôi đoán khái niệm “những điều gần gũi” dạo đây được quan tâm nhiều là vì nó chỉ ra một vấn đề tôi không nhận ra trước đó: nhiều thanh niên cảm thấy cuộc sống của họ đang mất kiểm soát. Một mặt, họ cảm thấy xã hội rất phức tạp, đầy bất định nên thiếu cảm giác an toàn. Mặt khác, họ cảm thấy mình không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường phải đi, đặc biệt là các bạn trẻ ở vùng nông thôn hay gia đình bình thường, các bạn ấy chỉ có thể học tập thôi. Dĩ nhiên giờ điều kiện vật chất vẫn tốt, nhưng áp lực tinh thần rất lớn, các bạn chỉ có thể tập trung làm một việc một cách máy móc. Điều này khiến họ cảm thấy rất mệt mỏi, đồng thời không biết liệu có đạt được điều họ mong muốn hay không, bởi vì họ cảm thấy thế giới bên ngoài như “bong bóng” là thứ họ không thể nắm bắt. Như vậy, ở hai phương diện, thanh niên cảm thấy không kiểm soát được cuộc sống: thứ nhất, không kiểm soát được các hoạt động và sở thích hàng ngày do áp lực từ phụ huynh, giáo viên, nơi làm việc… buộc họ phải làm, dù họ có thích hay không; thứ hai, họ cũng không biết hành động của mình sẽ dẫn tới đâu, thế giới bên ngoài kia như “bong bóng” là điều hoàn toàn vượt khả năng hiểu biết của họ. (Ghi chú: Hạng Tiêu thích sử dụng “bong bóng” để chỉ một thế giới nhỏ có ranh giới rõ ràng, ví dụ như thế giới đóng kín bao gồm trường học-gia đình-học thêm-trò chơi điện tử tập trung vào kỳ thi).
Trong cách hiểu của hai ý nghĩa trên, giới trẻ cảm thấy mình không thể kiểm soát cuộc sống của chính mình: thứ nhất, họ không thể kiểm soát các hoạt động và sở thích hàng ngày của mình, bởi vì có áp lực từ phụ huynh, giáo viên và nơi làm việc buộc họ chỉ có thể làm điều này, cho dù họ có thích hay không cũng phải làm như vậy; thứ hai, họ cũng không biết việc làm như vậy sẽ dẫn tới đâu, họ cảm thấy thế giới bên ngoài xung quanh họ, vượt quá “bong bóng” của họ, là một thế giới mà họ hoàn toàn không có khả năng hiểu được. Vì vậy, họ sẽ cảm thấy “tất cả đều là may mắn” vân vân, nhưng đồng thời họ cũng liên tục tự nhắc mình “may mắn chỉ ưu ái những người chăm chỉ”, vì vậy họ phải tăng gấp đôi sự chăm chỉ của mình.
Khi cảm thấy cuộc sống mất kiểm soát, lo lắng, mệt mỏi, sợ hãi và vô nghĩa, họ sẽ có mong muốn tự nhiên là tìm lại được một chỗ bám víu, một “mỏ neo”, một điểm tựa trong cuộc sống. Vậy điểm tựa đó là gì? Gia đình có thể là một, nhưng gia đình lại là điều rất phức tạp, nếu quá lệ thuộc vào gia đình thì tình cảm ấy cũng có thể trở thành nguồn đau khổ lớn đối với nhiều bạn trẻ. Ngoài ra còn cộng đồng, các nhóm hội khác, nhưng chúng đã không còn vai trò nương tựa được nữa.
Tôi nghĩ mọi người nhìn thấy khả năng trong hình tượng “những điều gần gũi”, cảm thấy nó có thể là một chỗ bám víu, điểm tựa mới, là nền tảng để tái lập khả năng kiểm soát hoặc ít nhất là khả năng hiểu biết về cuộc sống của mọi người.
Phóng viên: Tại sao “những điều gần gũi” có thể đáp ứng được điều đó?
Hạng Tiêu: Bởi vì “những điều gần gũi” khác với địa phương, cộng đồng, khu phố, nhóm, bộ lạc… “Những điều gần gũi” không phải là một đơn vị có ranh giới. Đơn vị gần nhất với “những điều gần gũi” có lẽ là cộng đồng, nhưng trong cộng đồng là một nhóm người tương đối cố định, có ranh giới tương đối cố định, mối quan hệ bên trong ổn định, người dân tương đối đồng nhất. Nhưng “những điều gần gũi” thì khác, như tôi đã nói, trong “những điều gần gũi”, bạn phải nhìn thấy những người bán rau, bán đồ ăn sáng, làm vệ sinh…; và “những điều gần gũi” đi theo bạn, nơi bạn đến thì nó đến đó. Vì vậy, “những điều gần gũi” khác với cộng đồng: thứ nhất, nó nhấn mạnh vào kinh nghiệm cụ thể của con người, nhấn mạnh vào cách bạn nhìn nó; thứ hai, “những điều gần gũi” không phải là một đơn vị có thể hành chính hóa hay mô tả khách quan được, “những điều gần gũi” tập trung vào bạn. Theo nghĩa đó, có lẽ “những điều gần gũi” có giá trị sử dụng đặc biệt.
(CÒN TIẾP…)
———
Nhà nhân loại học Hạng Tiêu là giám đốc Viện Nhân loại học Xã hội Max Planck ở Đức và là Giáo sư Nhân loại học xã hội tại Đại học Oxford ở Anh. Là một nhà nhân loại học, Hạng Tiêu trong những năm đầu của mình đã nổi tiếng nhờ nghiên cứu về các làng Chiết Giang, sau đó đi du học và thực hiện nghiên cứu dân tộc học ở nước ngoài tại Úc, Đông Nam Á và những nơi khác. Ông từ lâu đã cam kết nghiên cứu các lĩnh vực di cư và dịch chuyển dân cư, thị trường lao động và tái sản xuất xuyên quốc gia.Từ góc độ di cư, nghiên cứu của ông liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế chính trị, trong đó có mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, lao động, tái sản xuất xã hội và quản lý tính di động. Cuốn sách Global “Body Shopping” của ông đã giành được Giải thưởng Anthony Leeds năm 2008, và bài báo Predatory Princes and Princely Peddlers của ông đã giành được Giải thưởng William L. Holland năm 2012. Cuốn sách tiếng Trung năm 2000 của ông “Cộng đồng xuyên ranh giới” (phiên bản tiếng Anh 2005) được xuất bản vào năm 2018. như một tác phẩm kinh điển đương đại trong nhân loại học xã hội. Các tác phẩm tiếng Trung của ông như “Đưa bản thân trở thành một phương pháp”, “Kết thúc kỷ nguyên “tri thức trẻ” của khoa học xã hội Trung Quốc, “Người Trung Quốc như chim ruồi, vỗ cánh tung bay giữa trời không”… đã gây ra phản hồi mạnh mẽ và lâu dài ở độc giả Trung Quốc. Tác phẩm của ông đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý. Ông vừa được độc giá Tạp chí People Trung Quốc bình chọn là một trong những gương mặt tiêu biểu của Trung Quốc vào năm 2023.