Khi nói đến câu “Đàn bà là những niềm đau” trong dân gian của văn hóa Việt là ám chỉ hình ảnh người phụ nữ đem lại đau khổ cho người đàn ông trong chuyện tình yêu. Vậy hình ảnh vê người phụ nữ đem lại khổ đau cho người đàn ông yêu họ có phổ biến trong câu chuyện dân gian của nhiều nền văn hóa khác không?
Mô-típ femme fatale (Người phụ nữ chết người) rất phổ biến trong nhiều câu truyện dân gian của nhiều nền văn hóa. Nghiên cứu cuối thập niên 90 của hai nhà nhân loại học William Jankowiak và Angela Ramsey đã phát hiện rằng trong khi khảo sát câu truyện dân gian của 78 nền văn hóa khắp thế giới thì 94% những câu chuyện cảnh báo đàn ông về sự nguy hiểm khi quan hệ với một phụ nữ xinh đẹp. Mặc dù chỉ có 26% nói về sự nguy hiểm khi người phụ nữ yêu người đàn ông đẹp mã, nhưng 50% miêu tả những rủi ro khi yêu một người đàn ông có địa vị cao nhưng bị người đàn ông ấy bỏ mặc. Số liệu này cho thấy trong các nền văn hóa luôn tồn tại nỗi sợ hãi chính là tình yêu không được hồi đáp lại. Nhiều câu chuyện dân gian này luôn đưa ra những lời cảnh báo hoặc hướng dẫn về cách tránh bị lừa dối, lôi kéo, dụ dỗ hoặc lợi dụng một cách có hại bởi một người tình hấp dẫn nhưng có mưu đồ ác ý bên trong mà thời nay có thể dùng từ “trap girl” hay “trap boy” để mô tả.
Ortner (1978) đã chỉ ra một điều thú vị: trong xã hội bình đẳng, phụ nữ thường được nhìn nhận như một đe dọa với nam giới; ngược lại, trong xã hội có cấu trúc phân cấp, họ được coi như dễ bị tổn thương bởi người đàn ông khác, và việc này như là cái cớ để nam giới bảo vệ họ (tr. 27). Tuy Ortner không đi sâu vào nguồn gốc của sự đe dọa, nhưng bà đề xuất rằng trong xã hội bình đẳng, đe dọa có nguồn gốc từ sợ hãi về khả năng tình dục của phụ nữ, còn trong xã hội có cấu trúc phân cấp, việc bảo vệ danh dự gia đình thông qua việc kiểm soát và điều tiết hành vi của phụ nữ trở nên quan trọng (Ortner, 1981).

Nghiên cứu cũng cho thấy “Người phụ nữ chết người” là một hình mẫu xuất hiện ở 73 trong 78 nền văn hóa được khảo sát, tức là 94%, con số này cao hơn nhiều so với mẫu “người đàn ông đẹp mã mà chết người” (n = 20 trên 78) hoặc đơn thuần chỉ là đàn ông chết người (26%, nguy hiểm: n = 25 trên 50 nền văn hóa, hay 50%).
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng, những nhân vật chết người trong truyền thuyết thường sở hữu một sức quyến rũ không thể cưỡng lại đối với giới tính khác. Đối với nam giới, điểm thu hút là vẻ đẹp, còn đối với phụ nữ là dấu hiệu của địa vị xã hội. Các nhân vật này thường là những kẻ thông minh và mưu mô, biết cách kiểm soát tình hình và thao túng người khác. Hình mẫu “femme fatale” chủ yếu dựa trên xu hướng cơ bản về sinh lý và tâm lý, và có thể thay đổi theo ngữ cảnh xã hội.
Dưới đây là bốn câu chuyện dân gian trong bốn nền văn hóa khác nhau liên quan đến “Người phụ nữ chết người”:
- Việc theo đuổi một phụ nữ xinh đẹp có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng từ việc bị sỉ nhục cho đến cái chết. Trong câu chuyện Ibo miền nam Nigeria, “Người lạ mặt xinh đẹp đã giết một vị vua” kể lại rằng vị vua kia phải lòng một phụ nữ xinh đẹp nhưng là một phù thủy cải trang; sau khi ngủ say, mụ ta chặt đầu vị vua
- Ở Nam Mỹ, trong số những người da đỏ Mocovi có rất nhiều câu chuyện “Cáo là kẻ lừa bịp” kể về một con cáo biến mình thành phụ nữ để dụ dỗ đàn ông. Người đàn ông là đối tượng của sự quyến rũ và/hoặc những nhân vật khác đóng vai trò là trở ngại cho sự quyến rũ (vợ, cha mẹ của đối tượng, v.v.) thường bị con cáo đội lốt phụ nữ tiêu diệt.
- Thổ dân Úc tin rằng có những linh hồn sống dưới nước có thể mang hình dáng của một người phụ nữ xinh đẹp “sẽ hát suốt ngày đêm những bài tình ca khi họ nằm trên những tảng đá giống như cá sấu làm trong thời tiết lạnh giá. … [Người ta cho rằng một khi một người đàn ông nghe thấy những bài hát ma thuật của họ], anh ta phải đến gặp cô gái dưới nước đó, những linh hồn đó sẽ dìm anh ta cho đến chết.
- Trong văn học Trung Quốc thì nội dung luôn khai thác về ham muốn của người đàn ông cũng chính là nỗi sợ hãi của họ. Có rất nhiều câu chuyện nổi tiếng và phổ biến liên quan đến một nàng tiên hoặc linh hồn cáo đội lốt một thiếu nữ xinh đẹp để quyến rũ rồi giết chết người tình hay còn gọi là hồ ly tinh. Thanh niên Trung Quốc thường trêu chọc nhau rằng một phụ nữ đặc biệt xinh đẹp có thể là hồ ly tinh. Như vậy, những câu chuyện này tạo thành những câu chuyện mang tính cảnh báo nhắc nhở đàn ông rằng phụ nữ xinh đẹp có thể rất nguy hiểm.

Còn đây là câu chuyện dân gian về “những người đàn ông quyến rũ chết người”:
- Trong nền văn hóa Dinka có câu chuyện tên là “Ngor và các cô gái”. Ngor là người cực kỳ đẹp trai cũng như có kỹ năng khiêu vũ và tụng kinh theo nghi lễ, chàng ta rất thu hút các cô gái. Đến mức những người phụ nữ đều muốn khiêu vũ, chiếm hữu được và ngủ được với chàng ta. Cuối cùng, chàng ta ăn tất cả mọi người phụ nữ chỉ để lại cái thủ cấp.
- Câu chuyện ở miền Nam Nigeria tên là “Người con gái ngỗ nghịch đã kết hôn với một chiếc đầu lâu”. Trong câu chuyện, một phụ nữ trẻ sợ hãi và bị sỉ nhục trước công chúng khi bị thu hút bởi một người lạ rất đẹp trai, lại hóa ra là một sinh vật đến từ thế giới linh hồn muốn ăn thịt cô.
- Trong câu chuyện của văn hóa Hindu là “Tôi có thể cho bạn thấy khuôn mặt thật của tôi không?” Trong câu chuyện, một con hổ mang hình dạng của một người đàn ông Brah uyên bác và được kính trọng, hắn ta có thể kết hôn với con gái của dân làng. Những người dân làng rất ấn tượng với kiến thức của anh ta. Cuối cùng, những cô gái này bị sỉ nhục sau khi con cái của họ hóa ra lại là hổ con.
- Cuối cùng câu chuyện “Con quạ cưới cô gái kiêu ngạo từ chối đàn ông” của người Eskimo. Trong câu chuyện này, một cô gái trẻ hấp dẫn phải chịu đau khổ khi chọn đi theo tình yêu lãng mạn của bản thân và phớt lờ lời khuyên của cha mẹ. Sau khi ngoan cố từ chối nhiều lời cầu hôn của nhiều người đàn ông, cô gặp một người lạ ăn mặc bảnh bao mang theo quà và chấp nhận lời cầu hôn của anh ta. Tuy nhiên, cô nhanh chóng rơi vào tuyệt vọng khi phát hiện ra rằng chồng mình không phải là con người mà là một con quạ sống trên một tảng đá cao. Cô ấy vừa khóc vừa chạy trốn khỏi chồng mình, và người ta nói rằng sau vụ đó, cô ấy đã mất đi sự kiêu ngạo và kết hôn với người đàn ông đầu tiên đến dàn xếp để hỏi cưới cô ấy.
KẾT LUẬN:
Bài viết này cho thấy trong các câu chuyện dân gian trên khắp thế giới thì những kẻ quyến rũ đi dụ dỗ người khác luôn được nhắc đến. đặc biệt hình tượng phụ nữ khá phổ biến. Những kẻ quyến rũ dường như không có khả năng yêu hoặc được miêu tả là cố tình sử dụng trải nghiệm tình yêu để thao túng và thống trị người mà yêu họ. Cho dù mối quan tâm là vẻ đẹp hình thể hay sự địa vị xã hội, nghiên cứu của này cũng cho thấy rằng động cơ chủ yếu để quan hệ với người khác là về sự gắn bó tình cảm cũng như sự thỏa mãn về tình dục. Điều này cũng cho thấy rằng con người trên khắp thế giới đều sợ hãi viễn cảnh có quan hệ tình cảm với một người không chia sẻ hoặc đáp lại tình cảm của họ. Ở cấp độ tâm lý cá nhân, điều này cho thấy rằng những lo lắng này không chỉ xảy ra ở một giới mà là giống nhau ở cả hai giới.
Tài liệu tham khảo:
Jankowiak, W., & Ramsey, A. (2000). Femme fatale and status fatale: A cross-cultural perspective. Cross-cultural research, 34(1), 57-69.
Ortner, S. B. (1978). The virgin and the state. Feminist Studies, 4,19-37.
Ortner, S. B. (1981). Gender and sexuality in hierarchical societies: The case of Polynesia and some comparative implications. In S. B. Ortner & H. Whitehead (Eds.), Sexual meanings: The cultural construction of gender and sexuality (pp. 275-329). Cambridge, UK: Cambridge Uni¬versity Press.