Nhân loại học Chính trị (Political Anthropology) là một trong những chuyên ngành được hình thành từ hệ thống các nghiên cứu, đúc kết của nhiều thế hệ học giả của Nhân loại học. Theo đó, lịch sử hình thành của Nhân loại học Chính trị gắn liền với những nhu cầu quan trọng về xác định nội hàm, bản chất lẫn phạm vi, ảnh hưởng trong đời sống con người. Joan Vincent còn đánh giá về mức độ giới hạn của Nhân loại học Chính trị “làm cơ sở cho hầu hết mọi mối quan tâm của ngành học”. Thông thường, các sự kiện chính trị hay biến đổi của xã hội có dấu ấn của quyền lực – đối tượng mà chính trị nhắm tới để xây dựng hoặc phản ứng bằng tư duy, hành động khẳng định (hoặc phản ánh) sức mạnh, giới hạn của con người. Bất luận là xã hội văn minh hay bộ tộc hoặc những cộng đồng bản địa mang lịch sử thực dân, chính trị không thực sự biến mất trong các tác nhân chi phối con người. Đó là thực tế tồn tại trong tư tưởng của Max Gluckman (1911 – 1975), một nhà Nhân loại học chính trị khai sinh ra Trường phái Manchester đưa ra phương pháp Phân tích Tình huống.
Phương pháp Phân tích Tình huống là hành động của nhà nhân loại học là quan sát và ghi chép lại các sự kiện xã hội hằng ngày tại nơi cộng đồng mà họ đang điền dã. Qua các ghi chép, nhà nhân loại cố gắng khái quát hóa cấu trúc xã hội, mối quan hệ xã hội và thiết chế,… của cộng đồng đang nghiên cứu. Các tình huống mới luôn nảy sinh liên tục trong quá trình thực địa, nhà nhân loại học phải kiểm định lại những thứ mình đã khái quát hóa thông qua các tình huống nảy sinh này.

Bài viết dưới đây tập trung nội dung, phân tích xoay quanh ghi chép năm 1938 của Gluckman về kết cấu quyền lực, vận động chính trị chi phối, biểu hiện trong lao động, tín ngưỡng, sinh hoạt của người bản địa tại Zululand (Nam Phi) thông qua tình huống khánh thành cây cầu tại địa phương.
Hoàn cảnh ra đời ghi chép năm 1938 của Gluckman có phần đặc biệt. Ngay ở mối quan hệ giữa Gluckman với người dân Zululand, tính chất chính trị đã hình thành sớm. Việc này không được đề xuất chủ động từ Gluckman, một người mà khi đó là sinh viên 27 tuổi đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Đối tượng đề xuất là Chính phủ Anh. Trước và trong Thế chiến II, họ khuyến khích các cuộc nghiên cứu tới Nam Rhodesia. Mục đích chính trị có lẽ rõ ràng hơn là khoa học. Vì họ đưa những người trẻ như Gluckman lẫn Viện Rhodes–Livingstone (RLI) đi để tìm hiểu, làm thêm cả diễn đạt chính trị tranh thủ ủng hộ của người châu Phi [2].
Vượt qua khó khăn của mệnh lệnh chính trị, năm 1938, Gluckman vẫn tập trung nghiên cứu và đúc kết trong bài “The Bridge”: Analysis of a Social Situation in Zululand (tạm dịch: “Cây Cầu”: Phân tích về Tình huống Xã hội ở Zululand). Ông rõ ràng quan điểm độc lập, xem thế nào là nghiên cứu và mối bận tâm của nhà Nhân loại học. Lấy xã hội làm phạm vi nghiên cứu lớn, đối tượng trong phương pháp luận của Gluckman là các tình huống xã hội (social situations). Ông coi chúng tồn tại trong việc quan sát những sự kiện xoay quanh con người. Từ đó, ông xem xét tính qua lại ở mối quan hệ của chúng “trong một xã hội cụ thể, anh ta trừu tượng hóa cấu trúc xã hội, các mối quan hệ, thể chế, v.v., của xã hội đó” [3]. Như thế, bản thân Gluckman có xác định không dừng ở mức độ của một người chỉ kể lại, miêu tả lại các biểu hiện. Bên cạnh đó, Gluckman cũng coi hoạt động khoa học của mình tại Zululand như một cách để có cơ sở, dẫn chứng phê phán sự thống trị của luận điệu “tiếp xúc văn hoá” (culture-contact).

Đặc điểm diễn đạt của Gluckman là ghi chép của một nhà Nhân loại học sống cùng với người bản địa. Tại Nam Phi, ông sống cùng với Matolana Ndwandwe, Phó Cảnh sát trưởng và Richard Ntombela (người cháu của Matolana). Nơi họ ở là trang trại, nằm trọn trong sự hiện diện dấu ấn của người Anh lẫn với địa phương, “cách khu Châu Âu và làng Nongoma mười ba dặm và cách Mapopoma hai dặm”. Nhờ trao đổi với Matolana, Gluckman được biết về sự kiện khánh thành một cây cầu ở quận Mahlabatini vào sáng mùng 07/01/1938 và cuộc họp ở Nongoma vào chiều cùng ngày. Đó cũng là khoảng thời gian tương ứng mà Gluckman tập trung trong bài viết của mình.
Những chi tiết tiếp theo được Gluckman trình bày gắn với các đối thoại, miêu tả liên quan tới tính “hiện đại” của xã hội Zululand. Cụ thể hơn, Gluckman giới thiệu Richard Ntombela là người Cơ Đốc giáo, mặc Âu phục do chú Matolana chuẩn bị: áo khoác khaki [4] đồng phục, quần ống túm cưỡi ngựa, ủng và ghệt da. Họ mặc vậy trong dịp lễ quan trọng, và ở đây thì việc đón chào một công trình tại địa phương cũng khiến họ thấy ý nghĩa. Mọi thứ tưởng suôn sẻ, cho tới khi cả ba người này bị ngừng lại bởi sự xuất hiện của một viên cảnh sát và tù nhân. Gluckman thấy rằng, ngay cả viên cảnh sát cũng thuộc thành phần trong Hoàng gia Zulu. Anh ta báo cáo về việc bắt tội phạm, còn Matalona nghe xong quay ra mắng tù nhân là izigebengu (kẻ vô lại) và đe doạ không cho phép ai quấy nhiễu địa bàn. Với hai cuộc đối thoại ngắn, Gluckman chứng kiến sự tồn tại của thân tộc trong hệ thống chính trị và sự phân biệt đối xử ở xã hội Zululand. Nó thật tới mức, Gluckman còn ghi lại cả sự chỉ trích của chính Matolana – người giữ chức vụ trong chính quyền Zululand. Lí do là dù cảnh sát có chăm chỉ hay xui hơn là tử nạn, Matolana cùng thuộc cấp không bao giờ được trả lương. Giải pháp của Matolana là dự định chuyển từ làm công sang làm “ông chủ nhỏ” trong nghề làm mỏ, với 10 bảng/tháng.
Chủ nghĩa thân tộc có lẽ không được Gluckman cắt nghĩa trực tiếp. Nhưng từ chuyện của viên cảnh sát, Gluckman cho người đọc biết một thực tế. Đó là kể cả khi Zululand “hiện đại”, thì xã hội luôn có xuất hiện người thuộc một thân tộc (hoặc hoàng tộc) trong bộ máy hành chính địa phương. Nó tiếp tục xảy ra, khi Gluckman cùng nhóm người đã đón một thủ lĩnh tôn giáo địa phương. Ông ta đứng đầu nhóm nhỏ theo Cơ Đốc giáo, xây dựng “nhà thờ bản địa lớn theo chủ nghĩa ly khai”. Bất chấp việc tôn giáo đó không được chính quyền Zulu thừa nhận, thì nhân vật kia luôn có quyền lực chính trị. Ông ta có hai thứ: một, là tuổi tác (thứ vốn dĩ có từ trật tự xã hội bộ tộc); hai, ông ta là một trong những người đứng đầu thân tộc ở địa phương. Thói quan liêu cũng trở nên tai hại, khi Malotana chả có chuyên môn vẫn cứ bốc phét, phàn nàn về gia cầm với L. W. Rossiter, Viên chức Thú y của Chính phủ (G.V.O.). Gluckman nhận xét Malotana nói những điều “không chính đáng về mặt kĩ thuật”.
Gluckman dần hình thành bức tranh sơ bộ về quyền lực các nhóm chính trị thân tộc ở Zululand. Người như Malotana hay Richard chỉ như người làm công cho chính quyền, không được đền đáp. Thậm chí, vị thủ lĩnh cao tuổi mà nhóm của Gluckman gặp còn sở hữu sự thừa nhận (từ các thân tộc khác) về quyền lực chính trị, duy trì cả một tôn giáo li khai. Những nhóm người kì lạ này tập hợp, và kẻ có quan chức chỉ coi sự kiện khánh thành cây cầu mới mang tính hình thức. Họ tìm kiếm sự công nhận thực quyền ở kẻ khác. Một người Âu Châu vô tư kiểu Rossiter cũng chỉ quan tâm tới kết cấu cây cầu. Trong khi đó, bản chất việc xây cầu chỉ có Gluckman xác định rõ: đó là giúp dân Zululand tiện di chuyển, tránh được nước lũ dâng và giúp các bà mẹ không phải đi bệnh viện quá xa.
Tình cảnh người dân Zululand lẫn công năng của cây cầu mới bị biến thành vô hình. Họ bị làm nền cho sự xuất hiện ồn ào của Mshiyeni, Nhiếp chính vương của Hoàng gia Zulu cùng hệ thống lính hộ tống có vũ trang. Đây cũng là dịp làm ăn và gây dựng nhóm chính trị của Mshiyeni. Theo miêu tả của Gluckman, chẳng có gì ngẫu nhiên khi Mshiyeni đem thêm vài cố vấn, khoe mẽ trước quần chúng. Kết quả chính trị có vẻ đã rõ. Mặc kệ việc xem xét tác dụng của cây cầu đối với nhân dân Zululand, Mshiyeni đến dự khánh thành với âm mưu vặt vãnh: “nhanh chóng thu thập về mình một triều đình nhỏ gồm những người quan trọng”.
Giữa một cổng chào cài hoa, Gluckman coi buổi lễ bắt đầu như sự đàn áp chính trị ngấm ngầm của chính quyền Zulu. Vật tế thần của họ là truyền thống bản địa. Ở một dịp thế này, những người đàn ông sẽ hát ihubo (bài hát gia tộc) của gia tộc Butelezi (gia tộc của tù trưởng địa phương, là cố vấn trưởng của Nhiếp chính Zulu). Kết quả là họ “đã bị Nhiếp chính vương chặn họng”. Thay vào đó, Mshiyeni yêu cầu tất cả hát bài thánh ca bằng tiếng Anh, viết bởi một nhà truyền giáo từ phái bộ truyền giáo Ceza, Thụy Điển . Điều kì lạ là, từ thẩm phán tới quan chức và những người Âu, người Zulu đều đồng tình như thể không có gì bất thường. Thái độ khi phát biểu của giới chức chính trị cũng đầy chiêu trò: kẻ thì bảo rằng cây cầu là “minh chứng” cho nỗ lực của chính phủ, người thì nghi ngờ nhanh như lúc họ khen công nhân xây được cầu chi phí thấp.
Cho tới khi buổi lễ kết thúc, người dân Zululand tham dự gì hết. Thay vào đó, các quan chức bản địa hoặc người Âu nhóm họp riêng. Sự trớ trêu là khi nhóm người Âu vào chòi riêng, họ ăn uống để “thảo luận về Zululand hiện tại và các vấn đề chung”. Còn Gluckman phản đối cách hành xử này, nhất là khi ông sang bờ bắc con sông với người Zulu. Dân địa phương tặng ba con thú làm quà cho Nhiếp chính vương Mshiyeni. Nhưng đổi lại, Mshiyeni lẫn quan hầu cận đã bắn chết ba con thú ở bờ Bắc lẫn những con thú của chính phủ. Họ tỏ vẻ “phấn khích”. Không một người dân nào phản kháng hay sợ sệt gì, vì như Gluckman tìm hiểu nguyên nhân thì điều này có vẻ “phù hợp” với tập tục địa phương.
Sau khi đám đông giải tán, Matolana gợi ý Gluckman đến xem phiên xử án của thẩm phán ở Nongoma. Nhìn chung, các tù trưởng và dân thường đều có mặt đông đủ. Họ không còn quan tâm tới cây cầu nữa, mà họ có cuộc thảo luận chung về các công việc của huyện: bán gia súc, cào cào, chăn nuôi bò đực giống tốt. Thẩm phán yêu cầu tù trưởng Amateni và induna ở lại, do tình hình căng thẳng cuộc chiến phe phái của Mandlakazi – Usuthu. Thay vì xử án rõ ràng, thẩm phán dành thời gian trách móc hết. Ông ta cho rằng, xung đột của họ đã gây hại tới trang trại của hoàng tử Zibebu, làm nhà ông ta đói ăn.
Quy trình xét xử không minh bạch, đầy sự thù hằn cá nhân. Đã vậy, nó còn bị can thiệp chính trị bởi Nhiếp chính vương Mshiyeni – kẻ đáng ra phải có mặt ngay khi phiên toà bắt đầu. Ông ta lên án các indunas của mình lẫn con cái của các bộ tộc khác. Cơ quan xét xử thành trò hề: một kẻ được thẩm phán cho phép tâng bốc “sự khôn ngoan và lòng tốt” vì hắn ta đang muốn thăng tiến chính trị. Một hoàng tử của nhà Mandlakazi bước lên. Anh ta vốn là người trong cuộc kiêm cảnh sát của chính phủ. Anh ta cáo buộc có kẻ đã hỗ trợ người Usuthu – phe đối địch. Mshiyeni “làm thay” việc của thẩm phán, lấy chính trị để quyết định xử lý bằng việc cho kiểm tra chéo, ép tội tộc Mandlakazi. Phiên toà kết thúc trong sự vô nghĩa, với sự gật đầu tán thành của thẩm phán.
Kết luận:
Lấy sự kiện khánh thành cây cầu ở quận Mahlabatini ngày 07/01/1938, Max Gluckman đã trình bày chân thực tất cả các chằng chéo mâu thuẫn trong một xã hội Zululand “hiện đại”. Ông không dừng ở mức độ ghi chép như một người trung lập, mà là một cá nhân thực hiện nghiên cứu với căn bản phương pháp Nghiên cứu Tình huống. Từng chi tiết về phục sức, tập tục, tín ngưỡng, đối thoại, hành xử khiến Gluckman ghi nhận rõ theo thời gian tuyến tính. Bên cạnh đó, ông đã nêu rõ về mặt trái của giới cầm quyền Zululand lẫn những người Âu tỏ vẻ trung lập. Họ độc quyền về phát ngôn, ứng xử như những tầng lớp thống trị xã hội. Vì thế, họ bất chấp tất cả thao túng quyền lực – dù là chính trị, tôn giáo hay pháp luật, tín ngưỡng. Tha hoá đã xảy ra từ kẻ làm công ở địa phương tới những kẻ chóp bu lãnh đạo. Từ nội dung và nhận định của Gluckman, thì xã hội Zululand đã đầy rẫy sự áp đặt, ruồng rẫy con người trong vòng vây của thân tộc, can thiệp và thao túng.
Chú thích:
[1] Vincent, Joan edt. (2002), The Anthropology of Politics A Reader in Ethnography, Theory, and Critique, Blackwell Publishers, USA, 2002, pg. 1.
[2] Nguyên văn miêu tả của Tempo như sau:
…The Government used the RLI in trying to win the support of Africans during the Second World War. It was in this regard that Gluckman took to the field in the Bulozi flood plains, spreading propaganda in order to win the Lozi people’s sympathy and loyalty for the Allied powers war effort.
Xem thêm trong Tempo, Alfred (2014), The Rhodes-Livingstone Institute and interdisciplinary research in Northern Rhodesia (Zambia), 1937-1964, Strategic Review for Southern Africa (Vol. 36, Issue 1), June 2014, University of Pretoria, Institute for Strategic Studies.
[3] Gluckman, Max. (2002). The bridge”: analysis of a social situation in Zululand. The anthropology of politics: a reader in ethnography, theory, and critique, 53-58.
[4] Người Việt có lẽ sẽ quen gọi từ khaki là kaki hơn. Bản thân “khaki” có gốc trong ngôn ngữ Urdu, hàm ý là bụi (hoặc đất màu).