Trong báo đài, truyền thông hay trong lớp học đến cả các bữa cơm gia đình thường khi nói về phụ nữ thì hay gắn với “thiên chức làm mẹ”. Khi nhắc về “thiên chức làm mẹ” thường được hiểu như là khả năng bẩm sinh của người phụ nữ, được truyền trong gene từ người phụ nữ này sang người phụ nữ khác trong việc chăm sóc trẻ em (dù người phụ nữ đó chưa có con nhưng “thiên chức” đó đã ở trong máu của họ như thường được dẫn chứng như việc chị gái chăm sóc em trai, hay em gái chăm sóc người anh) mà ở đàn ông thì lại không có khả năng đó. Điều này thường thấy trong nhiều nền văn hóa của chế độ gia trưởng hầu như việc chăm sóc con cái là nhiệm vụ từ khi sinh ra gắn liền với phụ nữ. Trong văn hóa Việt Nam có một câu tục ngữ là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” thể hiện rất rõ việc chăm sóc dạy dỗ đứa trẻ luôn gắn liền với người phụ nữ chứ không phải người đàn ông.
Các nhà Vị nữ luận theo quan điểm phương Tây thì cho rằng “thiên chức làm mẹ” chỉ là kiến tạo xã hội của chế độ gia trưởng để biện minh về mặt giới tính cho việc áp đặt vào phụ nữ làm cho họ hạn chế lao động ngoài không gian gia đình.
Nhưng Giáo sư danh dự về di truyền học Claudine Junien tại Đại học Versailles đồng tác giả với Nicole Priollaud cho rằng phải hiểu “thiên chức làm mẹ” trong sự kết nối với khác biệt sinh học chứ không nên phủ định hoàn toàn như vậy. Nghiên cứu của họ đã được xuất bản trong cuốn sách ra mắt gần đây “C’est votre sexe qui fait la différence” (Giới tính của chính bạn tạo nên khác biệt).

Theo hai tác giả thì “thiên chức làm mẹ” không có nghĩa là chăm sóc con cái bằng việc pha sữa, đưa bình sữa cho bé bú hay thay tả lót cho bé. Mà đây lại là một nghịch lý của động vật cái có vú bao gồm cả những động vật gần với nhóm Homo sapiens dù động vật có vú đó chưa bao giờ mang thai đều có các hành động như chạy trốn, lờ đi hoặc tấn công những con non. Hiện tượng này đã được ghi chép nhiều lần, như đã được nêu bật trong một bài viết tổng luận xuất bản trên tạp chí Science vào năm 2014 [1]. Ngược lại, phần lớn phụ nữ đã từng sinh con không thể cưỡng lại được tiếng khóc hoặc mùi của trẻ sơ sinh, ngay cả khi chúng không phải là con của họ.
Các nghiên cứu sâu đã làm sáng tỏ vấn đề này: vào thời điểm thụ tinh, các thay đổi nội tiết to lớn xảy ra trong các loài động vật có vú. Những thay đổi này cho phép phát triển phôi thai, sinh con và sản xuất sữa. Tuy nhiên, các hormone được thải ra như estrogen, progesterone, oxytocin và prolactin cũng làm thay đổi mạnh mẽ và lâu dài các mạch thần kinh. Não biến đổi và chuẩn bị để đảm bảo sự sống sót của con cái ngay trước khi chúng sinh ra. Sự thay đổi này tăng cường hoạt động não trong các vùng tham gia vào việc kết nối mẹ con. Đã được quan sát nhiều lần ở con người thông qua hình ảnh não. Thai kỳ của con người có một số đặc điểm giống như của các loài động vật khác dường như kích thích “độ chín chắn cao hơn” và “chuyên môn hóa tốt hơn” của mạng lưới thần kinh liên quan đến “nhận thức xã hội” mà điều này đã miêu tả trong một nghiên cứu được xuất bản trên Nature vào năm 2016. Đây là nghiên cứu đầu tiên xem sự phát triển não bộ của con người trong việc mang thai được tiến hành trên 25 phụ nữ trước và sau khi có con lần đầu tiên [2]. Qua nghiên cứu này cho thấy phụ nữ hiện đại thật sự có cái gọi là “thiên chức làm mẹ”. Tuy nhiên, phải hiểu “thiên chức” này thường bị hiểu sai, đánh giá sai khi đánh đồng rằng nó là thứ tình yêu sẵn có trong gene và di truyền từ người phụ nữ này sang người phụ nữ khác trong mối quan hệ với đứa trẻ. Theo nhà nghiên cứu tại Đại học Texas và chuyên gia về chiến lược giao phối của con người là David Buss giải thích:
“Nhiều nhà khoa học hiện đang thích nói về sự thích nghi của người mẹ để giải thích rõ hơn sự đa dạng của chiến lược cha mẹ trong mỗi loài và tính dễ tổn thương của chúng đối với các hiện tượng khác. Ví dụ, điều kiện sống, số lượng con, và chiến lược giao phối và, đối với con người đặt trong phong tục xã hội và tập quán của họ”.
Còn đối với người đàn ông làm cha thì sao? Người đàn ông cũng có cái gọi là “thiên chức làm mẹ” không khác gì người phụ nữ. Ở người đàn ông cũng có cơ chế sinh học ủng hộ việc bảo vệ con cái mặc dù điều này hiếm thấy nhiều ở động vật có vú. Giải thích nhà di truyền học Claudine Junien về điều này “Thật sự là cùng một nhóm tế bào thần kinh hoạt động ở cả hai giới, nhưng chúng tạo ra hiệu ứng khác nhau do sự khác biệt sinh học giữa hai giới”. Một lần nữa nhận định này đã bác bỏ kiểu suy luận là do đặc điểm sinh học và não bộ của đàn ông khác phụ nữ vì thế đàn ông thoát khỏi việc chăm sóc con cái để cho phụ nữ làm nhiệm vụ đó.
Thực tế não của đàn ông cũng tiến hóa khi người đàn ông tương tác với con của họ. Theo một số nghiên cứu, bao gồm một nghiên cứu thực hiện trên các bậc phụ huynh đồng tính nam công bố vào năm 2014 trên PNAS, tạp chí của Học viện Khoa học Hoa Kỳ. Việc cặp đồng tính dành thời gian với con thường tăng cường mức ocytocin, hormone của tình cảm, và giảm mức testosteron. Những thay đổi này cũng cho phép việc cơ cấu lại não bộ, giúp thuận tiện cho việc phát triển hành vi cha mẹ và do đó tăng cam kết của người với đứa con của mình. [3]
Điều này có đặc điểm tương đối độc đáo ở động vật có vú như đã nhấn mạnh trong một bài tổng quan được xuất bản vào năm 2014 trong tạp chí Science chính là kết quả của các quá trình chọn lọc khác nhau trong quá trình tiến hóa [4]. Nhà sinh vật học Ghislain Nicaise giải thích “Trong loài người, tuổi thơ kéo dài và dễ tổn thương đến nỗi cần có sự hợp tác của một số người để tối ưu hóa cơ hội sống sót”. Câu nói “Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” là điều hoàn toàn đúng. Điều này được gọi là nuôi dạy đứa trẻ phải cần cả cha lẫn mẹ. Do đó, đàn ông cũng có thiên chức làm mẹ như người phụ nữ dựa trên quá trình xã hội hóa của họ.
Trong giới nghiên cứu đã có sự đồng thuận về các hiện tượng khác nhau này, đồng thời nghiên cứu về bản năng cha mẹ đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ vào tiến bộ trong hình ảnh não và di truyền học. Một nhà nghiên cứu người Pháp–Mỹ đang ở hàng đầu của lĩnh vực này là nhà sinh vật học Catherine Dulac tại Harvard, vào năm 2020 đã nhận giải thưởng danh giá Breakthrough Prize cho công trình cách mạng về các mạch thần kinh cơ bản của hành vi cha mẹ ở chuột [5] [6].
Các khám phá của Catherine Dulac đã chấm dứt cho những tranh cãi về cái gọi là thiên chức làm cha mẹ khác nhau ở giới tính. Nghiên cứu của bà cho thấy rằng trong khi chuột đực và chuột cái có các mạch thần kinh chuyên môn về trách nhiệm của việc làm cha làm mẹ khác nhau giữa hai giới nhưng chúng cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm sống. Do đó, hành vi trước đây chỉ được cho là của các bà mẹ có thể xảy ra ở người cha, tùy thuộc vào ngữ cảnh và môi trường của họ, chứng tỏ rằng bẩm sinh và học việc học tập từ xã hội luôn luôn cùng tồn tại song song với nhau [7].
Tóm lại cái gọi là “thiên chức làm mẹ” chỉ là sự thay đổi não bộ của người phụ nữ và lẫn người đàn ông khi sinh và chăm sóc trẻ em để thích ứng với quá trình xã hội hóa tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] James K. Rilling Larry J. Young, The biology of mammalian parenting and its effect on offspring social development.Science345,771-776(2014).DOI:10. 1126/science.1252723
[2] Hoekzema, E., Barba-Müller, E., Pozzobon, C. et al. Pregnancy leads to long-lasting changes in human brain structure. Nat Neurosci 20, 287–296 (2017). doi. org/10.1038/nn.4458
[3] Hoekzema, E., van Steenbergen, H., Straathof, M. et al. Mapping the effects of pregnancy on resting state brain activity, white matter microstructure, neural metabolite concentrations and grey matter architecture. Nat Commun 13, 6931 (2022). doi. org/10.1038/s41467-022-33884-8
[4] Catherine Dulac et al., Neural control of maternal and paternal behaviors.Science345,765-770(2014).DOI:10. 1126 /science.1253291
[5] breakthroughprize. org/News/60
[6] Catherine Dulac Finds Brain Circuitry Behind Sex-Specific Behaviors: www. quantamagazine. org/catherine-dulac-finds-brain-circuitry-behind-sex-specific-behaviors-20201214/
[7] Li, Y., & Dulac, C. (2018). Neural coding of sex-specific social information in the mouse brain. Current Opinion in Neurobiology, 53, 120-130.