Chàng nắm tay nàng thề non hẹn biển sẽ đi với nhau cuối cuộc đời, mắt nhìn đắm đuối vào nhau, sau đó trao nhau một nụ hôn đầy đờm béo ngậy. Hình ảnh này quá quen thuộc trong các bộ phim dài tập. Những hình ảnh đó còn được gọi là “tình yêu lãng mạn”.
Jean–Paul Sartre trong Tồn tại và Hư vô đã có ví dụ nổi tiếng khi nói về hình ảnh cô gái đang suy nghĩ lơ đãng, tưởng tượng bản thân mình là một người thanh cao và thuần khiết trong khi một người đàn ông cầu hôn vuốt ve tay cô ta, triết gia hình dung hình ảnh ấy đầy gay gắt. Từ quan điểm này có thể suy ra rằng những người nói họ đang “yêu” là đang tự lừa dối chính mình, chỉ là ngụy trang cho dục vọng đơn thuần con người dưới lớp mặt nạ lý tưởng hóa là “tình yêu lãng mạn”. Trong khi các nền văn hóa khác không bị gánh nặng bởi đạo đức Kito giáo, vì thế không cần phải ngụy trang như thế, và do đó sẽ không phát triển những lý tưởng về lãng mạn (Hunt, 1959). Các nhà xã hội học như Talcott Parsons hay sử gia là Edward Shorter, Lawrence Stone thì còn tiến xa hơn trong lập luận cho rằng tình yêu lãng mạn chỉ sinh ra bởi hệ quả Chủ nghĩa tư bản làm tan vỡ tính tập thể của xã hội truyền thống, hình thành chủ nghĩa cá nhân ở con người trong xã hội phương Tây, vì thế người ta cần “một nửa” đi suốt cuộc đời để thấu hiểu nhau. Nhà nhân loại học là Ralph Linton và Robert Lowie cũng cho rằng tình yêu lãng mạn là sự ảo tưởng của phương Tây tạo ra, vì các mối quan hệ vợ chồng làm lu mờ sự lãng mạn trong mọi nền văn hóa. Như vậy tình yêu lãng mạn có phải chỉ tồn tại trong xã hội phương Tây và được phương Tây tạo ra?

Các nghiên cứu Nhân loại học gần đây đã cho thấy rằng tình yêu lãng mạn xuất hiện ở nhiều nền văn hóa, không chỉ có ở phương Tây nhưng nó thể hiện rất khác. Một số nền văn hóa cho rằng mối liên hệ giữa tình yêu và tình dục thường đầy rắc rối. Tại Nam Á, đàn ông sợ hãi về việc suy nhược mà họ tin là do mất tinh dịch gây ra. Trong khi ở Trung Quốc quan niệm rằng hoạt động tình dục quá mức được cho là khiến dương vật teo đi, dẫn đến hậu quả có thể gây tử vong. Ở nhiều xã hội khác, quan hệ tình dục bị coi là ô nhiễm, ghê tởm và rủi ro, đồng thời bị bao quanh bởi nhiều điều cấm kỵ và hạn chế. Nỗi sợ hãi sâu sắc về tình dục thường tương quan với một cấu hình xã hội nơi mà trong trắng được đánh giá cao một cách thái quá, chẳng hạn như trong số những người Dugum Dani ở New Guinea, những người thực hành tiết chế tình dục gần như hoàn toàn (Heider 1970). Trên thực tế, ở Melanesia, hành vi tình dục nói chung là điều nên tránh trừ những trường hợp đặc biệt nhất. Ví dụ, ở Manus, theo báo cáo của Margaret Mead, quan hệ tình dục được coi là một công việc ghê tởm, nguy hiểm và đáng xấu hổ.

Mead đã nhận xét tộc người ở đây như sau:
“Những cuộc tình vụng trộm hay được lựa chọn, điều quan trọng là các tình huống ấy được mô tả là những người này không cần quan hệ tình dục nếu họ không muốn, mà chỉ ngồi nói chuyện và cười đùa với nhau…. Điều tuyệt vời từ đôi lứa ở đây chính là bạn không cần phải ngủ với họ”
Trong khi đó Marri Baluch là một tộc người du mục sống ở các sa mạc cận biên của Iran, tộc người này đã được mô tả trong một tác phẩm kinh điển của Robert Pehrson (1966). Theo Pehrson, người Marri sống trong một thế giới khắc nghiệt, cô lập và không cho đi. Họ có chủ nghĩa cá nhân cao, tư lợi và cạnh tranh, đồng thời họ sẽ tranh giành quyền lợi cho bản thân trong tất cả các giao dịch xã hội. Cuộc sống cá nhân của họ bị chi phối bởi sự sợ hãi, ngờ vực và thù địch; bí mật và che giấu xã hội ở mức cao, trong khi hành động tập thể và hợp tác là tối thiểu. Tuy nhiên, giữa những người này thì các mối quan hệ lãng mạn được lý tưởng hóa, và một mối tình là “một thứ vượt trên cả vẻ đẹp và giá trị”, ngụ ý sự tin tưởng tuyệt đối, sự tương hỗ và lòng trung thành; một tình yêu như vậy phải được theo đuổi bằng mọi giá (Pehrson 1966:65). Lãng mạn vừa là thứ của những giấc mơ, vừa là của cuộc sống. Người Marri mà thất tình thì có thể tự tử, mối quan hệ tình cảm lãng mạn của họ là chất liệu cho những bài thơ và bài hát lãng mạn vốn là trụ cột của nghệ thuật Marri.
Không giống như các mối quan hệ yêu đương phương Tây, sự lãng mạn giữa Marri hoàn toàn trái ngược với hôn nhân, đối với họ hôn nhân là thứ không bao giờ dành cho tình yêu lãng mạn. Vì hôn nhân là mối quan hệ công khai đối với người Marri, nó còn là công cụ chính trị để đàn ông tiến thân, những người vợ chỉ là những kẻ thấp kém trong xã hội. Trên thực tế, ngay cả việc thể hiện tình cảm với người phối ngẫu cũng là một điều đáng xấu hổ. Sự lãng mạn thực sự phải được bí mật, cùng với một người phụ nữ đã có gia đình ở một trại xa. Đây là một vấn đề nguy hiểm, vì các trại khác là thù địch, và gặp gỡ những phụ nữ không được bảo vệ sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Người Marri sống trong các khu cắm trại nhỏ theo chế độ phụ hệ, địa phương được cai trị bởi một cơ quan trung ương được chấp thuận bởi tôn giáo có tên là Sardar. Tình yêu lãng mạn của người Marri là yêu một người ở xa và không thể chạm tới. Điều này cũng được coi là phủ nhận một cách có ý thức việc tranh giành quyền lực, vị thế thấp kém của phụ nữ và những ràng buộc của hôn nhân.
Bạn tôi gục ngã trên ly rượu ở quán bar sau khi bị từ chối tình cảm. Bạn ấy hỏi rằng “Tình yêu là gì? Sao tao mãi không có được tình yêu cho mình?”. Tình yêu lãng mạn chắc chắn là một thứ khó định nghĩa được trong nhiều nền văn hóa, nó cũng biến hóa qua mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Nhưng các nhà nhân loại học đã kết hợp lập luận chặt chẽ với cái nhìn sâu sắc đầy cảm thông có thể đánh giá đúng sự phức tạp, đam mê và đau đớn của tình yêu, đồng thời tiết lộ các giới hạn văn hóa, các biểu hiện cụ thể và các tiền lệ lịch sử của nó.
Tài liệu tham khảo:
Heider, K. 1970 The Dugum Dani: A Papuan Culture in the Highlands of West New Guinea. Chicago: Aldine.
Hunt, M. 1959 The Natural History of Love. New York: Alfred Knopf.
Linton, R. 1936 The Study of Man. New York: Appleton-Century.
Lowie, R. 1931 Sex and Marriage. In: John McDermott (Ed.). The Sex Problem in Modern Society. New York: Modem Library.
Mead M. 1956 New Lives for Old: Cultural Transformation – Manus, 1928-1953. New York: Morrow.
Parsons, T. 1949 The Social Structure of the Family. In: R. N. Anshen (Ed.). The Family: Its Function and Destiny. New York: Harper. Pp. 173-201.
Pehrson, R. 1966 The Social Organization of the Marri Baluch. Chicago: Aldine. Quinn, N.
Sartre, J.-P. 1956 Being and Nothingness. New York: Philosophical Library. Schopenhauer, A.
Shorter, E. 1977 The Making of the Modern Family. New York: Basic. Stone, L.
Stone, L. 1988 Passionate Attachments in the West in Historical Perspective. In: W. Gaylin and E. Person (Eds.), Passionate Attachments. New York: Free Press. Pp. 15-26