Chúng ta thường hay nhắc đến ngày Valentine – 14/02 hằng năm như một dịp nhằm giúp cho con người bày tỏ tình yêu sâu sắc của mình với đối phương. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là một dịp để các cặp đôi bày tỏ tình cảm hay cá nhân thổ lộ với đối tượng thầm mến, nếu nhìn sâu hơn vào mặt bản chất, “Ngày lễ tình nhân” còn đóng một vai trò đặc biệt hơn cả: trở thành một không gian mà các vấn đề về kinh tế, giá trị, hệ tư tưởng cá nhân, mối quan hệ quyền lực và vai trò giới trong xã hội được biểu lộ một cách rõ nét để nhà nghiên cứu có thể quan sát.
[Valentine như một không gian để xác định vai trò giới tính]
Trong một nghiên cứu Nhân loại học của tác giả Yuko Minowa đã cho thấy rằng, ngày lễ Valentine ngày nay đã dần chuyển đổi vai trò của mình, từ một công cụ dùng để bày tỏ tình yêu cho đến một nghi thức nhằm giúp cho con người tự khẳng định vai trò giới của mình. Tại đất nước Nhật từ hơn mười năm về trước, người phụ nữ vẫn thường hay tặng những món quà mang ý nghĩa khác nhau cho người đàn ông của mình, song, ý nghĩa thật sự của việc tặng quà lại không hoàn toàn nằm ở tình cảm cá nhân. Việc tặng quà cho người đàn ông vào ngày Valentine ít nhiều đã mang một ý nghĩa biểu tượng về sự trao quyền cho những người phụ nữ Nhật Bản, lễ tình nhân đã trở thành một không gian tạm thời, nơi mà họ có thể trở thành những cá thể “chủ động”. Nói cách khác, đối với người dân tại Nhật Bản, quà tặng trong ngày Valentine trở nên quan trọng vì tính tượng trưng của chúng trong xã hội chứ không chỉ vì giá trị kinh tế hay ý nghĩa tình cảm của chúng (Yuko Minowa: 2009)
[Không tình, không tiền: Giới hạn kinh tế của chủ nghĩa lãng mạn]
Trái ngược với xã hội Nhật Bản, các vấn đề kinh tế mới là thứ nổi bật nhất mà những người dân Ai Cập quan tâm. Chi phí đắt đỏ quá mức cho một lần kết hôn ở Ai Cập khiến những đôi yêu nhau bị lệ thuộc vào gia đình khi muốn tiến đến hôn nhân, điều này buộc họ phải bám vào chủ nghĩa hiện thực theo mong muốn của gia đình và từ bỏ những ý tưởng về tình yêu “màu hồng”. Dẫn đến những người đàn ông đã có gia đình thường hiếm khi ăn mừng hay tặng quà cho đối phương vào ngày lễ tình nhân. Những ràng buộc tài chính, tư duy bị áp đặt bởi “thực tế của thực tế” (khái niệm được đưa ra bởi nhà Xã hội học Luc Boltanski nhằm mô tả khả năng mà các bối cảnh nhất định trở thành “hiển nhiên” với các tác nhân, chính tác nhân này tuân theo và tiếp tục duy trì sự áp đặt lên chính họ) và quan niệm văn hóa diễn ra ở đất nước này đã phần nào chế ngự khát khao thể hiện tình yêu bằng hình thức ăn mừng ngày Valentine ở Ai Cập.
Tuy nhiên những ý niệm về “mừng ngày Lễ tình nhân” vẫn luôn tồn tại trong tưởng tượng của người dân Ai Cập như một hình thức an ủi tâm hồn của những người thuộc về chủ nghĩa lãng mạn, nhưng bị giới hạn về mặt kinh tế. Đặc biệt ở những người trẻ ngày nay cũng dần xuất hiện sự xung đột quan điểm đối lập với tư tưởng “sống thực tế” của người đi trước, họ vẫn luôn hy vọng sẽ đạt đến được hình thái lý tưởng nhất của “tình yêu lãng mạn”. Những phản kháng này hứa hẹn sẽ đóng góp một vai trò quan trọng để tạo nên sự tái thiết lập những hoạt động xã hội, mở ra những con đường mới, đặc biệt là con đường hướng đến “tình yêu đích thực” của chủ nghĩa lãng mạn tại Ai Cập trong tương lai.
Như vậy, “Lễ tình nhân”, “Valentine” thật ra cũng chỉ là một cách đặt tên, ngày 14 tháng 02 hằng năm thật sự còn mang nhiều ý nghĩa xã hội hơn cả những gì chúng ta có thể hình dung. Chính tại Việt Nam, dưới sự tác động của các diễn ngôn truyền thông “không cần quà, cần ting ting”, có thể nhận ra rằng sự chuyển dịch về giá trị quà tặng trong ngày Valentine cũng đang dần xuất hiện ngày càng rõ rệt. Còn bạn, sau một ngày trải nghiệm “Lễ tình nhân”, dù là một mình hay có đôi có cặp, bạn có nhận ra ngày Valentine trong bối cảnh Việt Nam đang tồn tại những vấn đề nào không?
Tài liệu tham khảo:
Luc Boltanski, On Critique: A Sociology of Emancipation (Cambridge: Polity Press, 2011), 33-37
Kreil, A. (2016). The price of love: Valentine’s day in Egypt and its enemies. The Arab Studies Journal, 24(2), 128-146.
Minowa, Y., Khomenko, O., & Belk, R. W. (2011). Social change and gendered gift-giving rituals: A historical analysis of Valentine’s Day in Japan. Journal of Macromarketing, 31(1), 44-56.